Tin trong tỉnh

Truông Bồn ngày ấy: Những người phụ nữ “bất tử”

Truông Bồn ngày ấy, đàn ông ra trận, ở nhà là những bà, mẹ, chị. Những người phụ nữ chân yếu, tay mềm đã trở thành hậu phương vững chắc, điểm tựa tinh thần, tiếp lửa cho tiền tuyến trong những ngày đánh Mỹ.

Câu chuyện của mẹ Thởm

Mẹ Thởm xúc động nhớ lại những kỉ niệm năm xưa.

Mẹ Thởm tên thật là Trần Thị Phác, năm nay đã 97 tuổi, mắt đã mờ, tóc đã bạc, sức khỏe rất yếu, nhưng vẫn không quên chi tiết nào trong câu chuyện kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng nuôi thanh niên xung phong (TNXP) ăn ở trong nhà. Đặc biệt là câu chuyện đẫm nước mắt với người con gái nuôi Nguyễn Thị Thông.

Hồi ấy, nhà mẹ ở gần nhà ăn của bộ đội, TNXP tham gia phục vụ tại tuyến lửa Truông Bồn. Chị Thông - tiểu đội trưởng - là người còn sống duy nhất của tiểu đội cảm tử, đại đội TNXP 317 trong trận bom đế quốc Mỹ trút xuống Truông Bồn sáng ngày 31/10/1968. Sau khi phát hiện ra chị nhờ nòng súng nhô lên khỏi mặt đất, đồng đội đưa chị về sân kho HTX Mỹ Thái (thuộc xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày nay) trong tình trạng đầu tóc rũ rượi, áo quần bê bết bùn đất và máu, hơi thở rất yếu.

Bà Thông - người duy nhất sống sót của Đại đội TNXP 317.

Người dân xóm 9 ra sức cứu chị bằng tất cả tình thương. Ông Nguyễn Tất Lữ - nguyên xóm trưởng xóm 9 xã Mỹ Sơn thời ấy - nhớ lại: “Nếu không có bà Thởm tận tình chăm sóc thì o Thông khó có ngày hôm nay. Chính bà Thởm đã giành giật sự sống cho o Thông từ tay tử thần”.

Bà Hồng, ông Lữ, ông Phác… vẫn còn nhớ rõ hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn một nách sáu đứa con thơ vẫn tình nguyện chăm sóc cho cô TNXP Trần Thị Thông.

Mẹ Thởm nhớ lại: “Hắn nằm ở nhà tui hai tháng. Tui coi hắn như con ruột của mình. Thấy hắn bị thương nặng, nhìn rất tội. Tui nghĩ sẽ không qua khỏi nên cố gắng chăm sóc thật tốt, được ngày mô hay ngày đó. Nhưng thật kỳ lạ, sức khỏe hắn dần hồi phục".

Một góc xóm 9, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương ngày hôm nay.

Cuộc sống thời chiến khốn khó trăm bề; một nách mẹ Thởm mấy đứa con vất vả nay lại chăm thêm chị Thông nhưng mẹ vẫn luôn dành trọn cho chị, từ thìa cháo, bát cơm đến giấc ngủ…

Tiếp tục câu chuyện, mẹ Thởm nói đứt quãng: “Có bữa hắn sốt mê sảng gọi tên từng đồng đội, tui thấy không cam lòng rồi lật đật ra vườn mò tìm lá diếp cá vò nát cho hắn uống. Cũng có bữa, hắn đòi ngồi dậy hỏi tìm đồng đội Hiên, Phúc, Tâm… . Tui chỉ biết động viên, nói tránh: “Đồng đội đang làm nhiệm vụ, vì sợ hắn ngất nên không dám nói thật””.

Nhớ lại kỷ niệm xưa, đại đội TNXP 317 Trần Thị Thông nghẹn ngào: “Tôi thực sự không biết nói gì. Mẹ Thởm không sinh ra tôi nhưng mẹ là người đã dành cả tấm lòng yêu thương cho tôi trong những ngày gian khó nhất. Tôi rất biết ơn mẹ Thởm và người dân xóm 9 xã Mỹ Sơn. Trong tim tôi khi nào cũng luôn nhớ về mẹ, đồng đội và mảnh đất nơi đây”.

Những dấu chân “bất tử”

Ông Chu Vĩnh Hiệp - Giám đốc BQL khu di tích lịch sử Truông Bồn kể lại kỉ niệm.

“Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh” ý chí kiên cường lại hiện lên trong bà Đặng Thị Hoa – Nguyên phó bí thư đoàn xã, trung đội trưởng trung đội mạnh xã Mỹ Sơn ngày ấy bằng những kỉ niệm, câu chuyện.

Bà Hoa nhớ lại: “Ngày ấy, đàn ông, con trai ra trận hết. Khi chính quyền xã Mỹ Sơn kêu gọi thành lập trung đội tham gia phục vụ Truông Bồn cùng bộ đội, TNXP, phụ nữ chúng tôi ai cũng hăng hái ghi tên”.

Những hố bom còn sót lại tại khu di tích Truông Bồn.

Trung đội có tất cả 30 thành viên, gần như hoàn toàn là phụ nữ và được chia thành hai tổ hoạt động trong quãng từ giáp xã Nhân Sơn đến chân Truông Bồn. Ngoài nhiệm vụ san lấp hố bom, đào hầm hào công sự cùng bộ đội, TNXP; trung đội còn tham gia cứu thương, tải thương, làm hoa tiêu để xe vượt truông…

“Sau mỗi trận bom, khi 3 tiếng kẻng từ trụ sở xã vang lên; chúng tôi lại cầm cuốc xẻng, súng đạn chạy băng qua đồng để đến trận địa Truông Bồn san lấp hố bom cho xe chở hàng. Không kể ngày hay đêm, sau trận bom là trung đội chúng tôi lại đi làm nhiệm vụ”, bà Hoa nhớ lại.

Những năm 1967-1968 ác liệt, Truông Bồn là nơi giặc mỹ trút hàng tấn bom đạn. Nơi đây được xem là tọa độ lửa của tỉnh Nghệ Tĩnh ngày ấy.

Thực tế, bà Hoa và các đồng đội không thể nhớ hết bao nhiêu thương binh đã được chuyển về hậu cứ chữa trị, bao nhiêu hố bom mình đã san phẳng để đoàn xe lăn bánh kịp giờ ra trận.

Là một trong sáu thành viên phụ trách cứu thương của Trung đội, bà Nguyễn Thị Sinh - ở xóm 4 xã Mỹ Sơn còn nhớ tường tận những năm tháng được góp sức cho tiền tuyến Truông Bồn. Trò chuyện cùng chúng tôi, ký ức 50 năm trước trong bà như một cuốn phim quay chậm: “Khi ấy đói khổ, thiếu thốn nhưng tinh thần thì rất tuyệt vời. Nói đăng ký là đăng ký, nghe tiếng kẻng báo động là chạy”.

Khi chúng tôi đề cập đến việc đã có công nuôi bộ đội, TNXP, tham gia đào hầm hào, công sự, cứu chữa thương binh… có mong được nhà nước ghi công, bà Hoa cười nói: “Đã là phụ nữ thì phải học tập: “ba đảm đang”, vô tư làm nhiệm vụ, cái chết cũng không hề nghĩ đến mà chỉ mong đất nước sớm được giải phóng. Giờ nhà nước ghi công hay xét chế độ gì thì rất vui mà không có chế độ gì cũng vui”.

Gian khổ là vậy, có ngững người đã ra đi mãi mãi hay những người còn sống lại hôm nay. Những dấu chân “bất tử” ấy đã tạc lên tượng đài Truông Bồn còn mãi đến mai sau.

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP