Chậm tiến độ, gây ô nhiễm môi trường?
Vào năm 2004, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có quyết định số 853 phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Trung tâm giáo dục quốc phòng Vinh (trực thuộc trường đại học Vinh). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 79 tỉ đồng, được thực hiện trên khu đất với diện tích 200.000 m2 giáp ranh giữa TP Vinh và huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên sau nhiều năm, dự án này vẫn triển khai một cách chậm chạp, không đúng tiến độ. Hơn 10 năm sau, ngày 22/10/2015, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có quyết định số 4808 “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 cơ sở 2 trường Đại học Vinh tại xã Nghi Phong, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc và xã Nghi Ân, thành phố Vinh”.
Siêu dự án hơn 100 ha với hàng chục ngàn sinh viên theo học, ăn ở nhưng trường Đại học Vinh (cơ sở 2) lại không có hệ thống xử lý nước thải? |
Theo quyết định này thì dự án được nâng lên tổng diện tích quy hoạch “khủng” là 100 ha bao gồm các khu: học tập, điều hành quản lý, khu dịch vụ công cộng, ký túc xá… Tuy nhiên cũng như lần trước, “siêu” dự án này tiếp tục chậm tiến độ, hàng loạt hạng mục không được triển khai.
Và điều “đặc biệt” hơn nữa là dự án “khủng” hơn 100 ha này lại không có ĐTM, không có hệ thống xử lý nước thải, gây ra ô nhiễm môi trường.
Trong kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVII, cử tri xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc phản ánh nước thải sinh hoạt từ Trường Đại học Vinh (cơ sở 2) gây ô nhiễm nguồn nước và đất sản xuất của nhân dân trên địa bàn xã.
Không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải khiến khu vực phía sau nhà ăn Đại học Vinh (cơ sở 2) ô nhiễm nghiêm trọng. |
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An phối hợp với UBND huyện Nghi Lộc, UBND xã Nghi Phong…tổ chức buổi làm việc, kiểm tra thực tế đồng thời lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải tại Cơ sở 2 Trường Đại học Vinh.
Qua kiểm tra hiện trường cho thấy: Trường chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước thải từ các hoạt động của nhà trường được xử lý sơ bộ rồi được dẫn qua và lưu giữ tại hai ao nằm trong khuôn viên của trường. Một số thời điểm nước thải từ hệ thống ao chảy ra diện tích canh tác của người dân xóm Phong Mỹ, Phong Xuân xã Nghi Phong.
… Kết quả phân tích chất lượng nước thải lấy tại ao lưu giữ trong khuôn viên nhà trường có 2/11 thông số vượt giới hạn cho phép của QCVN 14:2008/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước thải sinh hoạt (Cột B,K=1,2):NH4 vượt 1,14 lần, Coliform vượt 1,16 lần.
Như vậy việc cử tri phản ánh hoạt động của Trường Đại học Vinh (cơ sở 2) gây ô nhiễm nguồn nước và đất sản xuất của người dân là có cơ sở.
Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An yêu cầu Trường Đại học Vinh: Bố trí và xây dựng vị trí xả thải hợp lý đồng thời tiến hành bịt các vị trí xả thải ra ngoài diện tích canh tác của người dân. Tiến hành rà soát hệ thống thu gom, thoát nước mưa, nước thải của nhà trường đảm bảo nước mưa, nước thải được thu gom triệt để.
Mùi hôi thối, ô nhiễm bốc lên nồng nặc ảnh hưởng đến môi trường học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trường Đại học Vinh. |
Trong thời gian xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tiến hành nghiên cứu các biện pháp đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn hiện hành; khẩn trương báo cáo với cơ quan chủ quản (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đồng thời xin tiến hành các thủ tục để sớm xin chủ trương xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh trả lời không trung thực hay nhầm lẫn?
Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An yêu cầu rõ ràng là vậy nhưng đã hơn 2 năm trôi qua, Trường Đại học Vinh ngoài việc bịt các vị trí xả thải ra ruộng người dân thì không tiến hành xây dựng bất cứ hạng mục xử lý nước thải nào.
Mới đây, có mặt tại phía sau khu vực Nhà ăn Đại học Vinh (cơ sở 2) chúng tôi phải nín thở khi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ các cống rãnh dẫn nước thải sinh hoạt. Bao nhiêu chất thải từ thức ăn, dầu mỡ được tống thẳng ra đây, lâu ngày vón đọng lại thành từng mảng lớn không thể chảy thoát ra hồ. Hệ thống nắp đậy rất sơ sài, có nhiều chỗ hở toang hoác rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không may sẩy chân xuống.
Nhiều hố ga không nắp đậy hết sức nguy hiểm. |
Đi dọc theo tuyến mương dẫn nước thải ra hồ, chúng tôi không tài nào chịu nổi mùi hôi thối xộc thẳng lên mặt mũi. Đặc biệt, phía dưới 2 hồ “điều hòa” nước chuyển màu đen kịt, ô nhiễm, hôi thối, cá chết nổi lềnh bềnh. Theo một người dân cho biết thì sau khi có ý kiến cử tri, yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Trường Đại học Vinh chỉ làm kiểu “đối phó” bịt các lỗ nước thải chảy ra ruộng dân, còn hệ thống xử lý nước thải thì không chịu xây dựng. Nước thải ô nhiễm chảy ra 2 hồ chứa rồi theo đường ống chảy ngược ra mương thoát nước cặp bên QL46. Ô nhiễm vẫn không được xử lý, mưa bão thì tràn lên mặt đường, ruộng dân.
Trả lời báo chí về việc vì sao đã hơn 2 năm trôi qua, Trường Đại học Vinh không tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Trường Đại học Vinh cho rằng: “Sau khi có văn bản yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đã có tờ trình xin điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Dự án đầu tư xây dựng Khu Nhà ở sinh viên (cơ sở 2) Trường Đại học Vinh nhằm bổ sung hạng mục bể xử lý nước thải. Tuy nhiên mãi đến nay vẫn chưa có quyết định điều chỉnh quy hoạch của UBND tỉnh Nghệ An. Nguyên nhân cũng có thể do bên trường chưa bám sát đến cùng hoặc bên tỉnh quá nhiều việc (?!).
Nước hồ trong khuôn viên trường Đại học Vinh cơ sở 2 bị ô nhiễm, cá chết nổi lềnh bềnh bốc mùi hôi thối. |
Mặc dù chưa có quyết định điều chỉnh quy hoạch, chưa tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải, ô nhiễm vẫn còn đó nhưng khi được hỏi đến khi nào thì trường sẽ xây dựng các hạng mục xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, thì hiệu trưởng Trường Đại học Vinh – Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Bằng lại cho rằng: “Cái ấy (hệ thống xử lý nước thải-PV) đang làm, gần xong rồi mà. Có mấy tháng dịch Covid-19 nên tiến độ chậm lại. Anh xuống là thấy máy móc đang làm dưới. Hệ thống đường gom và bể xong xuôi cả rồi, bây giờ chỉ đấu nối vào là xong. Vì hệ thống này nằm dưới đất nên không thể nhìn thấy” (?!).
Việc trả lời của ông Nguyễn Huy Bằng không biết là có trung thực hay không hay là có sự nhầm lẫn nào đó khi dự án chưa được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh thì lấy đâu cơ sở để tiến hành thi công? Hơn nữa sau khi trả lời của ông Bằng chúng tôi đã đi thực tế tại Cơ sở 2 của Đại học Vinh, nhưng không ghi nhận bất cứ một công trình xử lý nước thải nào đã và đang được xây dựng.
Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn đang tồn tại nhiều năm qua mà chưa được khắc phục, mặc cho lãnh đạo Trường Đại học Vinh trả lời “bất nhất”, không trung thực, yêu cầu của cơ quan chức năng bị “bỏ ngoài tai”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc ./.
Tác giả: THỤC ANH - VINH QUANG
Nguồn tin: Báo Môi trường & Đô thị