Đào Ngọc Thạch |
‘Phải đổi tên thành ĐH Sức khỏe TP.HCM’
Trong lễ khai giảng năm học mới của Trường ĐH Y dược TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị trường này đổi tên thành ĐH Sức khỏe TP.HCM.
Theo Bộ trưởng, một nhiệm vụ trường vẫn nợ mà ý tưởng này đã có từ 15 năm trước là thành lập ĐH Sức khỏe TP.HCM, trong đó có các trường y, trường nha, trường dược, trường y học cổ truyền, trường kỹ thuật y khoa, trường điều dưỡng…
Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: Hà Ánh |
Trong buổi lễ, Bộ trưởng đã nhắc nhở trường về tên gọi “ĐH” là không đúng. “Chỉ có thể là ĐH Sức khỏe, dưới đó có school (trường). Nhưng hiện nay dưới trường chỉ có khoa nên chúng ta chỉ có thể gọi là trường ĐH thôi, chưa thể gọi là ĐH và cái này Bộ GD-ĐT đã góp ý rồi”.
Cũng theo bộ trường, Trường ĐH Y dược TP.HCM hôm nay khai giảng nhưng chỉ có sinh viên khoa y tham dự. “Nhưng kể có tất cả các khoa thì cũng chỉ là Trường ĐH Y dược TP.HCM thôi chứ chưa phải là ĐH. Các đồng chí phải đổi tên là ĐH Sức khỏe TP.HCM, trong đó có trường y và khoa này là một trường rồi, rồi trường nha, trường dược, trường y học cổ truyền…”, bà Tiến nhấn mạnh.
ĐH khác trường ĐH như thế nào? Theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018) vừa có hiệu lực từ ngày 1.7, “cơ sở giáo dục ĐH có tư cách pháp nhân, bao gồm ĐH, trường ĐH và cơ sở giáo dục ĐH có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật”. Cũng theo luật này, cơ cấu tổ chức của ĐH gồm: Hội đồng ĐH; Giám đốc ĐH; Phó giám đốc ĐH; Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); Trường ĐH, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có). Còn tổ chức của trường ĐH gồm: Hội đồng trường ĐH, hội đồng học viện; Hiệu trưởng trường ĐH, Giám đốc học viện; Phó hiệu trưởng trường ĐH, Phó giám đốc học viện; Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); Khoa, phòng chức năng, thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo khác; Trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có). Như vậy, có thể hiểu đơn giản ĐH gồm nhiều trường thành viên, chẳng hạn 2 ĐH quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM) và các ĐH vùng. |
Bộ trưởng nói thêm: “Có thể thay đổi thành ĐH Sức khỏe sớm nhất. Nếu chúng ta không đổi mới chúng ta sẽ tụt hậu so với Lào. Tôi đã sang thăm ĐH Sức khỏe Lào, trong đó có 2 trường chính là trường y và trường nha. Riêng cái này dễ nhất các đồng chí chỉ làm đề án, Bộ rất ủng hộ”. Bộ trưởng nói thêm: “Theo tôi chỉ đổi tên lắp người còn vị trí quá chuẩn. Trường này xứng đáng là một trường ĐH y khoa lớn nhất cả nước”.
“Tôi đề nghị các khai giảng 5 năm sau hoặc vài năm nữa sẽ đổi thành khai giảng của ĐH Sức khỏe TP.HCM với các trường y, trường dược, trường nha… Nếu năm sau chưa thành lập trường thì có thể tổ chức lễ khai giảng trường với sinh viên nhiều khoa tham dự”, Bộ trưởng nói thêm.
Mô hình ĐH với các trường thành viên
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên hôm nay 17.9, PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết trường đã có đề án gửi Bộ Y tế từ một năm trước.
Theo đề án này, Trường ĐH Y dược TP.HCM phát triển từ mô hình ‘trường ĐH’ thành mô hình một ‘ĐH với các trường thành viên’.
Tuy nhiên so với quy định hiện hành của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, việc thực hiện đề án còn vướng.
Theo luật, để phát triển thành một ĐH với các trường thành viên, ĐH này phải có trường thành viên. Nhưng theo luật, việc phát triển từ khoa thành trường thành viên thì khoa cần có 3 chương trình đào tạo. Trong khi hiện nay, các khoa lớn của trường như khoa Y, khoa Dược, khoa Răng-Hàm-Mặt và khoa Y học cổ truyền mỗi khoa chỉ có một chương trình đào tạo.
Hiện mới chỉ có 2 khoa của trường này đủ điều kiện phát triển thành trường thành viên gồm: y tế công cộng và điều dưỡng kỹ thuật y học.
Tác giả: Hà Ánh
Nguồn tin: Báo Thanh niên