Vụ Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) bỏ trốn tiếp tục được các cơ quan báo chí quan tâm tại cuộc họp. Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết bị can Huy không có mặt tại nơi ở vào thời điểm khám xét đồng loạt các cơ sở của Công ty Nhật Cường ngày 9-5.
Sẽ công bố danh tánh 8 bị can "bí ẩn"
Theo Trung tướng Lương Tam Quang, căn cứ tài liệu thu thập được, cơ quan công an xác định Công ty Nhật Cường có dấu hiệu hoạt động buôn lậu nên đã khám xét các cơ sở kinh doanh của công ty này. "Thời điểm đó, cơ quan công an chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can nên chưa thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Bùi Quang Huy" - ông Quang nói.
Sau quá trình khám xét, thu thập chứng cứ, ngày 14-5, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy và 8 đối tượng khác. Cơ quan cảnh sát đã thi hành các quyết định đối với 8 bị can, còn Huy không có mặt ở nơi cư trú. "Từ khi khám xét đến khởi tố, Bùi Quang Huy đều không đến trình diện, mặc dù đã vận động gia đình. Do đó, chúng tôi đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế với Bùi Quang Huy vào ngày 18-5 vừa qua" - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay và khẳng định những vấn đề "nóng" mà báo chí, dư luận quan tâm sẽ được Bộ Công an làm rõ trong quá trình điều tra.
Về việc cùng bị khởi tố với ông chủ Công ty Nhật Cường còn có 8 đối tượng khác nhưng chưa được công bố danh tính, Trung tướng Lương Tam Quang khẳng định danh tính 8 người này sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp nhất để không ảnh hưởng quá trình điều tra vụ án. Ông Quang nhấn mạnh bản chất của các đối tượng khi bị phát hiện luôn tìm mọi thủ đoạn để trốn tránh việc xử lý, kể cả bỏ trốn giống như bị can Bùi Quang Huy, do đó gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, trả lời các vấn đề “nóng” tại họp báo ngày 31-5. Ảnh: QUANG HIẾU |
Làm rõ việc đưa tiền tỉ chạy điểm
Sau kỳ thi THPT quốc gia 2018 với hàng loạt vụ bê bối, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết bộ đã nghiên cứu đề án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn Luật Giáo dục nêu rõ đây là một trong những kỳ thi quan trọng, nếu bỏ thì động lực học tập sẽ giảm. "Bộ quyết định đưa ra tổ chức kỳ thi chung, là kỳ thi THPT quốc gia, vừa là kết quả để tuyển sinh vừa là căn cứ xét tốt nghiệp" - ông Độ nói. Luật Giáo dục đại học cũng nêu rõ là các trường đại học được quyền tự chủ về tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm về việc triển khai công tác này. Cho nên việc tổ chức riêng kỳ thi đại học là không phù hợp mà chỉ có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Theo ông Độ, đề án được Chính phủ phê duyệt và cho phép thực hiện đến năm 2020. "Chúng tôi đang thực hiện phương án này và cũng qua phản ánh của báo chí, tiếp thu, ghi nhận ý kiến của nhân dân, sau năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn" - ông Độ nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, đại diện Bộ Công an cho biết đang thu thập chứng cứ, tài liệu để tiếp tục làm rõ thông tin đưa và nhận tiền tỉ để nâng điểm. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để kết luận việc đưa, nhận tiền để nâng điểm.
Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cũng đã lý giải nguyên nhân chưa công bố kết luận thanh tra toàn diện tại bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã tổ chức 2 cuộc họp liên quan với sự tham gia của các bộ: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để cùng bàn giải pháp xử lý sau thanh tra.
Tác giả: Minh Chiến
Nguồn tin: Báo Người lao động