Xưởng Sản xuất gỗ keo mọc tràn lan, hoạt động rầm rộ chính quyền có làm làm ngơ?
Sáng ngày 3/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết: Huyện sẽ lập đoàn kiểm tra hoạt động của tất cả các xưởng chế biến gỗ trên địa bàn.
“Họ thuê đất của dân nhưng nếu chưa chuyển đổi, không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật sẽ yêu cầu tháo dỡ. Huyện cũng sẽ làm rõ, xử lý nghiêm cán bộ cấp xã liên quan trong quá trình để những xưởng chế biến gỗ này hoạt động trong thời gian qua”, ông Quế cho biết.
Hàng loạt xưởng sản xuất gỗ mọc lên tràn lan, rầm rộ hoạt động trong suốt thời gian dài. Mặc dù những xưởng sản xuất này thiếu nhiều thủ tục cần thiết về đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động... |
Trước đó, trong bài viết: “Xưởng sản xuất gỗ “3 không” mọc lên như nấm, chính quyền có làm ngơ” được đăng tải.
Bài viết phản ánh tình trạng hàng loạt xưởng sản xuất gỗ mọc lên tràn lan tại địa bàn huyện Thanh Chương, Nghệ An. Hầu hết tất cả các xưởng sản xuất này đều không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất.
Công nhân vẫn làm việc kiểu "tay bo" với những dây chuyền công suất lớn. |
Theo đó, trong khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều xưởng chế biến gỗ, chủ yếu là bóc gỗ keo mọc lên như nấm tại huyện Thanh Chương, Nghệ An. Chỉ trong địa bàn 1 xã có nhiều xưởng hoạt động với dây chuyền công suất lớn. Sản phẩm được phơi tràn lan khắp các tuyến đường.
Hầu hết những chủ xưởng đều là những người từ tỉnh khác đến thuê đất của dân, dựng nhà xưởng và sản xuất. Trong khi đó, đất được thuê hầu hết đất vườn, đất lâm nghiệp của người dân chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Thủ tục về đất chỉ là một hợp đồng được chủ xưởng ký kết trực tiếp với người dân theo thời hạn nhất định với giá bèo bọt.
Để có thể đi vào hoạt động, các chủ xưởng tại đây chỉ có một tờ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ gia đình và được Phòng Tài chính kế hoạch huyện Thanh Chương cấp, ghi ngành nghề là dịch vụ cưa xẻ và chế biến gỗ dân dụng. Trong khi đó các thủ tục về môi trường, an toàn lao động... đều không có.
Hiện UBND huyện Thanh Chương sẽ thành lập đoàn kiểm tra, nếu không đảm bảo quy định của pháp luật sẽ buộc tháo dỡ. |
Theo ghi nhận của phóng viên tại địa bàn hai xã Thanh Mai, Thanh Xuân đã có đến 5 xưởng chế biến gỗ như trên đi vào hoạt động. Nhà xưởng được dựng trên những khoảng đất rộng hàng ngàn m2, phục vụ việc sản xuất và tập kết nguyên liệu, phơi thành phẩm. Mỗi xưởng được lắp đặt 1 - 2 dây chuyền bóc gỗ keo với công suất khoảng 500 tấn/1 tháng. Tại những xưởng này thường xuyên có khoảng 7 - 10 lao động làm việc.
Hầu hết lao động tại đây được thuê theo thời vụ và không có các thiết bị an toàn tối thiểu để đảm bảo trong quá trình sản xuất. Mặc dù vậy nhưng những xưởng sản xuất này liên tiếp mọc lên một các tràn lan mà không có bất kỳ đơn vị chức năng nào kiểm tra.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc.
Tác giả: Nguyễn Phê
Nguồn tin: Báo Dân trí