Giáo dục

Từ chàng trai nghèo đến danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc

Chọn nghành sư phạm vì nhà quá nghèo dù đã đậu các trường đại học danh tiếng khác ở Hà Nội, thầy giáo Hoàng Đình Hùng đã từng bước khẳng định mình, được vinh dự là một trong hai giáo viên của Nghệ An được nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018.

Chọn sư phạm vì nhà quá nghèo

Đến với nghề giáo bằng một chữ "duyên" nhưng suốt nhiều năm thầy Hoàng Đình Hùng, một trong hai giáo viên của Nghệ An được nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018, vẫn luôn giữ được lửa nghề. Ảnh: Chu Thanh

Đã hơn 18 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hoàng Đình Hùng (1978) vẫn luôn cảm thấy may mắn khi nhắc về cái duyên đưa thầy đến với nghề. Từng đậu 3 trường đại học Giao thông vận tải, Khoa học tự nhiên và Đại học Vinh, thầy Hùng quyết định chọn theo học Đại học Vinh trước hết vì nhà quá nghèo.

Thầy Hùng trải lòng, là con thứ năm trong gia đình 6 anh em ở Thanh Chương, lại mồ côi cha từ nhỏ, mọi chi phí trong nhà đều dựa vào vài sào ruộng của mẹ, thành ra lúc ấy chàng trai xứ nhút cũng không nghĩ gì nhiều mà chọn luôn nghề giáo để học gần nhà, đỡ đần cho gia đình và không phải đóng học phí.

Một lý do nữa góp phần vào quyết định trở thành người gõ đầu trẻ là vì chàng trai nghèo quá cảm kích tấm gương thầy giáo dạy Hóa tại Trường THPT Thanh Chương III - thầy Võ Văn Mai, người đã dìu dắt, uốn nắn anh từ những ngày mới học cho đến khi vào đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Chính tấm lòng vừa làm cha, vừa làm thầy của thầy Võ Văn Mai đã truyền cảm hứng cho anh, khiến anh tin rằng đây là một cái duyên: mình chọn nghề giáo mà nghề giáo cũng chọn mình.

Là người duy nhất trong gia đình được học đại học, từ khi bước vào giảng đường, Hoàng Đình Hùng xác định quyết tâm, học không chỉ cho bản thân mà còn học thay phần anh chị em đã nhường cơ hội cho mình. Càng học, càng nhận thấy quyết định trở thành giáo viên là lựa chọn chính xác và càng quyết tâm theo đuổi đến cùng.

"Nghiêm với học sinh 1, nghiêm với mình gấp 2,3"

Ngày tốt nghiệp, dù có cơ hội được giữ lại trường Đại học Vinh nhưng thầy quyết định trở về quê dạy học với mong muốn truyền lại tri thức cho học sinh nghèo quê mình. Chàng cử nhân trẻ được tiếp nhận dạy môn Hóa học ở Trường THPT Thanh Chương III.

Sau 10 năm gắn bó với ngôi trường ở quê hương, vào năm 2000, thầy Hùng được Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu tiếp nhận.

Thầy Hùng đã gắn bó với việc cầm phấn hơn 18 năm nay. Ảnh: Chu Thanh

Tiếp xúc với thầy Hùng, điều mà người đối diện nhanh chóng cảm nhận được là tấm lòng vì học sinh thân yêu. Thầy không chỉ là người chia sẻ tri thức, mà còn là người giúp các em trau dồi nhiều kỹ năng trong cuộc sống.

Thầy chính là người phát hiện, bồi dưỡng cho nhiều học sinh có tố chất. Phạm Nhật Duật, Huy chương Đồng Olympia Hóa học Quốc tế cũng là học sinh được thầy Hùng kỳ công bồi dưỡng.

Duật được thầy Hùng đánh giá là thông minh, tư duy nhanh, sáng tạo, phát hiện tốt vấn đề. "Nhưng cũng do cái câu "học tài thi phận" nó vận vào em nên đến lớp 12 em mới được chọn vào đội tuyển" - Thầy Hùng cho biết.

Vì "có phần thiệt thòi" hơn các bạn còn lại, những người có kinh nghiệm ôn thi cũng như đi thi nên ngoài thời gian dạy kiến thức bồi dưỡng, thầy Hùng còn thường xuyên trò chuyện, làm công tác tư tưởng cho em. Nhất là thời điểm Duật ôn thi đội tuyển ở Hà Nội, thầy Hùng thường gọi điện động viên, hỗ trợ từ xa giúp em có tâm lý thoải mái nhất trước khi bước vào cuộc thi quan trọng.

Ngoài Duật, thầy còn bồi dưỡng cho nhiều học sinh giành huy chương, thành tích cao tại các cuộc thi học sinh giỏi Hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; hướng dẫn nhiều em đạt giải cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật… Nhưng điều khiến thầy tự hào nhất là thầy đã dạy cho các em học sinh của mình cách làm người, dạy cho các em cách “khiến mọi người phải ngước nhìn dù bạn không cao”. Chữ "cao" ở đây là cao về tri thức, về nhân cách làm người.

Suốt 10 năm giảng dạy ở Trường THPT Thanh Chương III cho đến hơn 8 năm cầm phấn tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thầy Hùng luôn nhắc nhở, bảo ban các lứa học sinh của mình cách đối nhân xử thế, cách ứng xử giữa bạn bè, thầy trò.

Với các thế hệ học trò ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cũng như THPT Thanh Chương III, thầy Hùng không chỉ là một đồng hành giúp đỡ học sinh vươn lên chinh phục đỉnh cao tri thức mà còn là người bạn, người anh, người cha. Từ sự quan tâm, chia sẻ từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống đến việc phát hiện tố chất của từng em học sinh, giúp các em hoàn thiện, vươn lên khẳng định mình... thầy đều luôn ân cần, nhỏ nhẹ và hiệu quả. Thầy luôn quan niệm, giáo dục, trước hết là dạy cách làm người tốt.

Với nhiều khóa học trò, thầy Hoàng Đình Hùng vừa là người thầy, vừa là người cha. Ảnh: Chu Thanh

Thầy Hùng tâm sự, sau gần 20 năm cầm phấn, bí quyết mà thầy rút ra là phải "nghiêm với học sinh một, nghiêm với chính mình gấp đôi, gấp ba", nghiêm và chỉn chu từ những việc nhỏ nhất, từ lời ăn, tiếng nói, cử chỉ hàng ngày đến những công việc thường xuyên như soạn giáo án, nâng cao kiến thức chuyên môn. Bởi theo thầy, kiến thức là vô hạn trong khi trí lực của con người có hạn nên một khi đã theo con đường này thì việc học phải được theo đuổi suốt đời.

Trước mỗi giờ lên lớp, bản thân thầy luôn luôn trăn trở nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp dạy học mới, những dạng bài mới để cung cấp, tạo hứng thú học tập, nghiên cứu sâu vấn đề cho học sinh. Sự say nghề, tận tâm với công việc của thầy đã được ban giám hiệu nhà trường ghi nhận, tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm chủ nhiệm, bồi dưỡng các đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh, quốc gia…

Chia sẻ về việc được nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018, thầy Hùng cho biết đây là một sự bất ngờ, một niềm vinh dự lớn lao. "Ở trường THPT Chuyên Phan Bội Châu nói riêng và ở Nghệ An nói chung có rất nhiều người xứng đáng nhưng có lẽ tôi là người may mắn hơn. Đây sẽ là động lực để tôi càng phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ sự tin tưởng của các thế hệ đồng nghiệp, của các em học sinh và giáo viên...", thầy Hùng tâm sự.

Tác giả: Chu Thanh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP