|
Sau lời nhận định của phóng viên Nhật Bản Jun Usami rằng: "Nếu Trung Quốc chỉ dùng cầu thủ bản địa, Việt Nam có khả năng đánh bại được họ. Bóng đá Trung Quốc trong nhiều năm qua đầu tư rất nhiều tiền, nhưng chất lượng cầu thủ thì vẫn tệ", cùng tiết lộ của báo chí Trung Quốc rằng mức lương của những cầu thủ nhập tịch của họ chẳng hề kém so với ngôi sao Premier League Son Heung-min, tờ Sina của Trung Quốc đã có bài viết phản ứng quyết liệt.
Sau khi chê trách phóng viên người Nhật hết lời vì "người Nhật cực kỳ thích dùng những lời khen có cánh cho người khác", hay "phóng viên người Nhật phải có cái nhìn toàn diện về đại cục trước khi mở mồm ra nhận xét", bài báo này đã chốt lại bằng một tứ mà họ chắc chắn lấy làm tâm đắc, để phản bác:
"Vợ chồng tuyển thủ Nguyễn Công Phượng khoe với giới truyền thông những chiếc nhẫn kim cương khủng. Không biết nếu cầu thủ là thần tượng của người hâm mộ bóng đá Việt Nam này chỉ có mức thu nhập bằng với những người lao động bình thường, liệu anh ta có thể mua được chiếc nhẫn kim cương đắt giá đến nhường ấy cho vợ mình không?".
|
Ý tưởng của tác giả là dùng sự giàu có của Công Phượng để biện luận cho cái lập luận "ai chẳng đá bóng vì tiền", để lấp liếm đi mức lương khổng lồ dành cho các cầu thủ nhập tịch chơi cho ĐTQG Trung Quốc, cũng như mức thưởng cao phi lý dành cho đội tuyển nước này khi đối đầu với những Guam, Maldives hay Philippines...
Nhưng đấy lại là tư duy ngược hoàn toàn. Bầu Đức từng phát biểu: "Thử hỏi Công Phượng tôi nuôi từ lúc có hơn 10 tuổi, lúc nhà nó nghèo rớt mồng tơi, phải bán heo, bán lúa lên Pleiku thi tuyển. Bây giờ nó 25 tuổi, có cuộc sống giàu sau, học hành ngon lành, nói tiếng Anh như gió, tiền không thiếu. Đi đâu nữa? Những cầu thủ khác có thiệt thòi gì đâu? Cho đến giờ chưa có đứa nào phàn nàn với tôi đòi đi cả".
Sự khác biệt nằm ở chỗ những cầu thủ Việt Nam như Công Phượng đến với bóng đá với niềm đam mê là điểm xuất phát, còn danh tiếng và tiền bạc là thành quả. Còn bóng đá Trung Quốc?
Cách đây không lâu, đánh giá về bóng đá Trung Quốc hiện tại, tờ Thời báo Thượng Hải chỉ ra rằng vấn đề thực sự không phải nằm ở "đỉnh tháp" - tức các đội tuyển quốc gia, mà nằm ở chân đế. Nó nằm ở chỗ dân số của Trung Quốc khoảng 1,4 tỷ người, trong khi đó chỉ có khoảng 40.000 người theo đuổi con đường bóng đá. Còn ở Việt Nam, con số này là 50.000 người trong số hơn 90 triệu người.
|
Ở Nhật Bản, tính đến tháng 3/2015, có tới 964.000 người chơi bóng đá, hơn 12.000 HLV. Riêng lứa U18 của Nhật Bản đã có hơn 154.000 cầu thủ. Trong khi đó dân số Nhật Bản chưa bằng 1/10 Trung Quốc.
Phải chăng người Trung Quốc không yêu bóng đá? Không hẳn. Là bởi ở Trung Quốc, bóng đá không còn là môn thể thao với niềm đam mê được đặt lên hàng đầu, mà trở thành một ngành kinh doanh thực sự. Trẻ em nghèo không có cửa được đào tạo tử tế, thay vào đó những trường đào tạo bóng đá chính quy và chuyên nghiệp chỉ mở cửa với giới nhà giàu. Điều đó đã khiến ngay cả với những cầu thủ Trung Quốc, kiếm tiền mới là động lực lớn nhất.
Hơn 10 năm trở lại đây, tính từ khi công tác đào tạo trẻ của bóng đá Trung Quốc bị thương mại hóa, thành tích của bóng đá trẻ Trung Quốc cực tệ. Từ năm 2010 đến nay, trong số tất cả các đội tuyển trẻ của quốc gia tỷ dân này, chỉ có hai trong số đó lọt vào đến tận top 8 một giải vô địch châu Á. Lần đầu tiên là U19 năm 2010, và lần còn lại là U19 năm 2014. Cả hai lần ấy, Trung Quốc đều dừng chân ở tứ kết.
Giải vô địch U23 châu Á 2018 tổ chức trên sân nhà, U23 Trung Quốc bị loại ngay từ vòng bảng, trong khi U23 Việt Nam làm nên kỳ tích với ngôi Á quân châu lục. Hai năm sau, U23 Trung Quốc còn thảm thương hơn khi rời giải đấu với 3 trận toàn thua.
|
Mới đây, bình luận viên bóng đá nổi tiếng người Trung Quốc - Hàn Kiều Sinh, từng đưa ra lời bình luận chua chát về bóng đá nước này: "Bóng đá Trung Quốc giống như một bệnh nhân ung thư, cơ thể mắc nhiều bệnh do suy nhược kéo dài. Bóng đá Trung Quốc không tốt, còn người hâm mộ thì cứ yêu cầu đội tuyển phải lọt vào VCK World Cup. Tôi cảm thấy chẳng có chút thực tế nào".
Con đường đến với bóng đá của các cầu thủ trẻ Việt Nam, cũng như Nhật Bản và rất nhiều quốc gia khác chưa bao giờ bị ngáng bởi đồng tiền, và nghĩa vụ quốc gia của các cầu thủ chuyên nghiệp của họ cũng chưa bao giờ bị chi phối mạnh mẽ bởi những khoản tiền thưởng khổng lồ như Trung Quốc. Đấy mới là điểm khác biệt lớn nhất với bóng đá Trung Quốc.
Và đấy cũng là điểm yếu "chết người" của bóng đá Trung Quốc, để rồi với "chân đế" yếu ớt của mình, bóng đá Trung Quốc đang phải sống bằng hơi thở của các ngoại binh nhập tịch của mình.
Tác giả: Kim Thiền
Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc