Trong nước

Tưởng nhớ 64 liệt sĩ Gạc Ma (14-3-1988): Còn mãi bên nhau...

'Đoàn kết - nghĩa tình' là phương châm sống hôm nay của những cựu binh Việt Nam từng vào sinh ra tử, chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa năm 1988.

Cựu binh Lê Minh Thoa bên di ảnh của đồng đội ngày 13-3-2021 - Ảnh: MINH CHIẾN

Chiều 12-3, cựu binh - thương binh Lê Minh Thoa, nguyên thợ máy tàu HQ - 604, sắp xếp tư trang cho vào túi xách, lên xe máy "một mình một ngựa" từ TP Quy Nhơn (Bình Định) chạy vào Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Trường Sa ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) để hôm sau dâng hương tưởng nhớ 64 đồng đội.

Không bao giờ quên!

Ông Thoa nói việc mình còn sống như "có phép mầu". Lúc ấy ông 20 tuổi, nhập ngũ được 3 năm, là thợ máy của tàu HQ-604.

Sáng 14-3-1988, quân Trung Quốc nã đạn pháo vào đảo, vào các tàu công binh, tàu hải quân Việt Nam để cưỡng chiếm đá Gạc Ma. Tàu HQ-604 chìm, khi nhảy khỏi tàu ông Thoa bị thương do dầu máy văng trúng bỏng.

Ông may mắn bám vào 2 quả bí lênh đênh một ngày trên biển thì bị Trung Quốc bắt cùng 8 đồng đội. Cả 9 người bị Trung Quốc đưa về giam ở bán đảo Lôi Châu (tỉnh Quảng Đông) cho đến tháng 9-1991 mới được phóng thích, trở về nước khi gia đình đã lập bàn thờ.

Mười mấy năm qua, cứ đến ngày kỷ niệm ông luôn thực hiện những chuyến đi bằng xe máy để đến tưởng nhớ, gặp gỡ đồng đội, khi ở Phú Yên, lúc Khánh Hòa, Quảng Ngãi...

Ông thổ lộ cứ gần ngày 14-3, mình luôn bồi hồi ngóng đợi, mong chờ gặp lại những đồng đội cũ từng chiến đấu bảo vệ Gạc Ma - Cô Lin và Trường Sa ngày ấy, bởi thế hệ cựu binh như ông nhiều người đã dần đi xa vì lớn tuổi, bệnh tật; nhiều người vẫn vất vả mưu sinh cần được chia sẻ, động viên.

Trong ký ức của mình, cựu binh Lê Thành Phương (Phú Yên) cũng không bao giờ quên những ngày nóng bỏng ở Trường Sa 33 năm trước. Khi đó, ông Phương đóng quân tại đảo Trường Sa Lớn.

Ông kể khoảng ngày 10-3-1988, ông cùng 2 đồng đội quê Phú Yên là Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Văn Bình - người làm lính trinh sát, người xạ thủ B41 - đã nhận quân trang có cả bao tử sĩ, được đơn vị làm heo, tổ chức liên hoan tiễn rồi chờ tàu từ đất liền ra Trường Sa Lớn đón qua vùng biển đá Gạc Ma, Cô Lin chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

"Nhưng tình hình khẩn cấp, các tàu không đến Trường Sa Lớn mà đi thẳng đến 2 đảo chìm này để bảo vệ đảo, 3 chúng tôi không có cơ hội sát cánh cùng đồng đội chiến đấu" - ông Phương bồi hồi nhớ lại.

Ông Phương nói không thể quên những đồng đội thân thương là 2 liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, Đinh Ngọc Doanh ở chung tiểu đoàn cơ động chiến đấu 862 (lữ đoàn 146) và 2 liệt sĩ đồng hương Phú Yên, cùng nhập ngũ với nhau là Phan Tấn Dư, Trương Văn Thịnh.

Nghĩa tình đồng đội

Ngày 64 sĩ quan, chiến sĩ Việt Nam ngã xuống để bảo vệ Gạc Ma 33 năm trước nhằm ngày 27 tháng giêng âm lịch. Ở Phú Yên, liệt sĩ Thịnh được gia đình giỗ sớm vào ngày 25 tháng giêng, ngày ông rời đất liền lên tàu ra đảo.

Đã 92 tuổi, cụ Nguyễn Thị Đảo - mẹ liệt sĩ Thịnh - đi lại khó khăn, trí nhớ không còn thật minh mẫn, nhưng đôi mắt hấp háy xúc động khi thấy đồng đội của Thịnh. Họ như những đứa con trai của mẹ, luôn về thăm hỏi, sẻ chia mỗi dịp 14-3.

Năm nay không còn người mẹ Lê Thị Niệm thắp hương ngày đám giỗ liệt sĩ Phan Tấn Dư nữa. Tuổi già sức yếu đã khiến người mẹ - gần cả cuộc đời thổn thức bởi đứa con trai vì nước không về - vĩnh viễn đi xa gần 2 tháng trước ở tuổi 93.

Ngày giỗ ông Dư hằng năm, cựu binh Nguyễn Văn Dũng ở Nha Trang (Khánh Hòa) lại sắm sửa mọi thứ mang về xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa, Phú Yên) để cúng bạn.

Ngày ấy, ông Dũng là người có tên trong danh sách lên tàu ra Gạc Ma nhưng giờ cuối do trận sốt đột ngột nên chỉ huy phải để ông ở lại đất liền, người thay thế ông làm nhiệm vụ lính thông tin là Phan Tấn Dư.

Ông Dư hi sinh, ông Dũng ray rứt, đau khổ. Sau này ông Dũng lặn lội tìm đến nhà, lạy xin mẹ Niệm nhận làm con, xin được thay thế ông Dư chăm sóc mẹ... Từ sự xúc động lớn lao đó, ông Dũng trở thành hạt nhân trong việc liên lạc, tập trung các cựu chiến binh Gạc Ma - Cô Lin và Trường Sa.

Còn tại Phú Yên, từ năm 2007 cuộc gặp mặt truyền thống cựu binh Trường Sa được tổ chức vào ngày 14-3, nhiều năm có hàng trăm đồng đội cùng gia đình khắp nơi trong cả nước tham dự.

"Năm nay chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng mâm giỗ truyền thống cho 64 liệt sĩ Gạc Ma vào sáng 14-3 tại địa điểm liên lạc của ban ở TP Tuy Hòa. Đám giỗ này, toàn thể thành viên của ban liên lạc sẽ cùng dâng hương tưởng nhớ và nghiêm chào đồng đội.

Đây cũng là dịp để mọi người động viên, chia sẻ, bàn việc giúp đỡ, hỗ trợ gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu binh Trường Sa bệnh tật, khó khăn" - ông Đào Trọng Thi, trưởng Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên, cho biết.

Tác giả: DUY THANH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP