Thế giới

Ukraine gây sốc với yêu cầu 115 máy bay và 98 tỷ USD từ Đức

Trong một động thái táo bạo gây chấn động địa chính trị châu Âu, ông Andriy Melnyk – đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hợp Quốc và cựu đại sứ tại Đức – đã kêu gọi thủ tướng sắp nhậm chức của Đức, ông Friedrich Merz, chuyển giao 30% lực lượng không quân và thiết bị mặt đất của quân đội Đức (Bundeswehr) cho quân đội Ukraine.

Yêu cầu đầy bất ngờ này được đưa ra khi ông Merz chuẩn bị lãnh đạo chính phủ liên minh mới giữa Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), bắt đầu từ ngày 6 tháng 5 năm 2025.

Tiêm kích Eurofighter Typhoon của Đức


Danh sách hỗ trợ bao gồm 45 tiêm kích Eurofighter Typhoon, 30 máy bay Tornado, 25 trực thăng NH90, 15 trực thăng tấn công Eurocopter Tiger, 100 xe tăng Leopard 2, cùng hàng loạt hệ thống vũ khí tiên tiến khác và 150 tên lửa hành trình Taurus.

Ông Melnyk cũng kêu gọi Đức dành ra 0,5% GDP của mình – tương đương khoảng 86 tỷ euro (97,8 tỷ USD) đến năm 2029 – để hỗ trợ nhu cầu quân sự của Ukraine.

Yêu cầu chưa từng có tiền lệ này được xem là một phép thử cho cam kết của Đức với Ukraine, đồng thời đặt ra những câu hỏi lớn về sự thống nhất của NATO, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Đức và tương lai an ninh châu Âu.

Lời kêu gọi được đưa ra vào thời điểm then chốt. Đức từ lâu đã bị chỉ trích vì cách tiếp cận thận trọng trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz, người đã nhiều lần từ chối cung cấp tên lửa Taurus do lo ngại leo thang chiến sự.

Ngược lại, ông Merz đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn, sẵn sàng cung cấp tên lửa Taurus trong sự phối hợp với các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, yêu cầu của ông Melnyk còn vượt xa tên lửa, mà là cả một kế hoạch tái cấu trúc lực lượng vũ trang Đức để thay đổi cục diện chiến trường của Ukraine.

Tính táo bạo của đề xuất không đơn thuần là lời cầu cứu, mà còn là một thách thức chiến lược đối với ban lãnh đạo mới của Đức và liên minh phương Tây nói chung.

Trọng tâm trong đề nghị của Melnyk là máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon – một loại tiêm kích đa nhiệm hai động cơ, do liên danh các quốc gia châu Âu gồm Đức, Anh, Ý và Tây Ban Nha phát triển.

Eurofighter, được đưa vào sử dụng trong Không quân Đức từ năm 2004, là một trong những chiến đấu cơ tiên tiến nhất thế giới, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ không đối không và không đối đất với tốc độ tối đa Mach 2 và tầm chiến đấu trên 1.000 dặm.

Được trang bị radar CAPTOR và các loại vũ khí dẫn đường chính xác như tên lửa Brimstone và bom Paveway IV, nó mang đến khả năng linh hoạt vượt trội.

Hiện Đức có khoảng 138 chiếc Eurofighter, và việc chuyển giao 45 chiếc trong số đó sẽ là một phần đáng kể trong khả năng hoạt động và dự trữ.

Tên lửa hành trình Taurus


Điều này không chỉ đòi hỏi quyết tâm chính trị mà còn cần một sự tái cơ cấu hậu cần khổng lồ, bởi lực lượng không quân Ukraine vốn được huấn luyện với các dòng máy bay thời Liên Xô như MiG-29 và Su-27, không có cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực đủ để vận hành và bảo trì những chiến đấu cơ hiện đại như Eurofighter.

Sự phức tạp của Eurofighter cho thấy thách thức của đề xuất này. Eurofighter đòi hỏi đào tạo phi công sâu rộng, đội ngũ kỹ thuật lành nghề và chuỗi cung ứng phụ tùng quy mô lớn. Chẳng hạn, Ba Lan – một đồng minh NATO có lực lượng không quân hiện đại – đã mất nhiều năm để tích hợp hoàn toàn phi đội F-16 sau khi chuyển từ hệ thống Liên Xô.

Không quân Ukraine, vốn đã kiệt quệ sau ba năm xung đột, sẽ đối mặt với thách thức còn lớn hơn. Những yêu cầu về điện tử hàng không và bảo trì có thể khiến việc chuyển giao trở nên mang tính biểu tượng nhiều hơn là có tác động tức thì.

Tuy nhiên, với ưu thế vượt trội về khả năng cơ động và tích hợp cảm biến, Eurofighter có thể mang lại cho Ukraine lợi thế chất lượng vượt trội so với Su-35 của Nga với điều kiện có hệ thống hỗ trợ phù hợp.

Ngoài Eurofighter, danh sách mà ông Melnyk đưa ra còn khiến nhiều người “choáng váng”: 30 máy bay Tornado – chuyên dùng cho tấn công tầm thấp; 25 trực thăng vận tải NH90 – dùng để cơ động quân và cấp cứu; 15 trực thăng tấn công Eurocopter Tiger – được trang bị tên lửa chống tăng; 100 xe tăng chủ lực Leopard 2 – thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới; 115 xe chiến đấu bộ binh Puma; 130 xe bọc thép Marder; 130 xe bọc thép bánh lốp Boxer; 300 xe vận tải Fuchs; và 20 hệ thống phóng tên lửa đa nòng MARS-II – phiên bản Đức của HIMARS Mỹ.

Việc đưa vào 150 tên lửa hành trình Taurus với tầm bắn 500km và khả năng tàng hình, đặc biệt gây tranh cãi, bởi trước đó ông Scholz đã từ chối cung cấp chúng do lo ngại leo thang.

Tên lửa Taurus, tương đương với Storm Shadow của Anh và ATACMS của Mỹ, có khả năng tấn công sâu trong lãnh thổ Nga, làm dấy lên tranh cãi trong Quốc hội Đức về nguy cơ trở thành bên tham chiến trực tiếp.

Lịch sử hỗ trợ quân sự của Đức cho Ukraine là yếu tố cần được nhìn nhận kỹ. Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, Đức đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Kiev sau Mỹ, với khoảng 28 tỷ euro viện trợ, bao gồm xe tăng Leopard 1 và 2, hệ thống phòng không IRIS-T và pháo phòng không Gepard.

Tuy nhiên, sự do dự của Berlin với các hệ thống như Taurus đã bị Ukraine và các đồng minh như Mỹ, Anh và Pháp chỉ trích. Trong khi SPD (Đảng Dân chủ Xã hội) của ông Scholz lo ngại Taurus có thể khiến Đức bị xem là bên tham chiến, thì các đối tác trong chính phủ như Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) lại muốn chuyển giao ngay lập tức.

Trực thăng tấn công Eurocopter Tiger


Trong chuyến thăm Kiev vào tháng 12/2024, ông Merz đã công khai chỉ trích sự thận trọng của ông Scholz: “Chúng tôi muốn quân đội các bạn có khả năng tấn công căn cứ quân sự của Nga. Không phải dân thường hay hạ tầng, mà là các mục tiêu quân sự tấn công Ukraine”.

Quan điểm cởi mở của Merz về việc giao tên lửa Taurus tạo tiền đề cho yêu cầu mang tính “leo thang” của Melnyk.

Về mặt chính trị, đề xuất của Melnyk đặt ông Merz vào tình thế khó khăn. Liên minh CDU/CSU-SPD được thành lập sau cuộc bầu cử nhanh vào ngày 23/2/2025, vẫn đang trong giai đoạn định hình.

Merz, người giành được 28,5% phiếu bầu, cam kết tăng cường quốc phòng Đức và hỗ trợ Ukraine, đồng thời giữ vững kỷ luật tài khóa.

Tuy nhiên, SPD – hiện do ông Lars Klingbeil lãnh đạo – vẫn tỏ ra thận trọng, với nhiều thành viên phản đối chuyển giao Taurus do lo ngại leo thang.

Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ, đã ngầm ủng hộ việc giao Taurus, nhưng ảnh hưởng của ông trong SPD còn hạn chế.

Yêu cầu của Melnyk về 30% trang bị của Bundeswehr vượt xa mọi đề xuất của các chính trị gia “diều hâu” tại Đức, dường như nhằm tạo áp lực để buộc ông Merz phải đưa ra lập trường rõ ràng, qua đó phơi bày những mâu thuẫn trong liên minh cầm quyền.

Về mặt kinh tế, đề xuất này cũng rất nặng nề. Việc phân bổ 0,5% GDP, dự kiến là 4,43 nghìn tỷ euro vào năm 2025, tương đương 22 tỷ euro mỗi năm đến năm 2029, gấp nhiều lần mức viện trợ hiện tại.

Ngân sách Đức năm 2025 chỉ dành ra 4 tỷ euro cho Ukraine, giảm từ 8 tỷ euro năm 2024, cho thấy áp lực tài chính.

Merz từng đề xuất quỹ 500 tỷ euro cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng, một phần thông qua nới lỏng quy định về nợ, nhưng ưu tiên lại là hiện đại hóa Bundeswehr.

Việc chuyển hướng số tiền lớn như vậy cho Ukraine có thể vấp phải phản ứng dữ dội từ cử tri Đức. Ông Thomas Erndl, nghị sĩ CSU, nhận định: “Một quan điểm phổ biến hiện nay là viện trợ vũ khí chỉ làm chiến tranh kéo dài, trong khi ngừng viện trợ có thể giúp hạ nhiệt”.

Tác động địa chính trị là rất lớn. Nếu Đức đồng ý, dù chỉ một phần, điều đó có thể thúc đẩy các thành viên NATO khác tăng cường viện trợ, củng cố cam kết của liên minh với Ukraine.

Xe tăng chủ lực Leopard 2


Anh và Pháp vốn đã cung cấp tên lửa Storm Shadow và SCALP, có thể sẽ hoan nghênh vai trò mạnh mẽ hơn từ Đức. Tuy nhiên, điều phối vẫn là yếu tố then chốt, như ông Merz đã nhấn mạnh vào tháng 4/2025: “Việc chuyển giao tên lửa hành trình phải được quyết định trong khuôn khổ Liên minh châu Âu”.

Ngược lại, Nga đã cảnh báo rằng những sự chuyển giao như vậy sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên án các hoạt động viện trợ vũ khí từ phương Tây là hành vi leo thang nguy hiểm.

Một báo cáo từ Bloomberg hồi tháng 3/2025 cho thấy Nga đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn của Mỹ, thể hiện rõ lập trường cứng rắn của mình.

Tác giả: Ngọc An

Nguồn tin: Báo Công Lý

  Từ khóa: Ukraine , Đức , máy bay

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP