Công tác neo đậu tàu thuyền tránh bão số 13 được Đà Nẵng triển khai khẩn trương Ảnh: Nguyễn Thành |
Bão mạnh càn quét Bắc Trung Bộ
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chiều nay (14/11), bão số 13 sẽ nằm trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 11. Theo dự báo, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và suy yếu dần.
Cơ quan dự báo Việt Nam nhận định, từ sáng14/11, vùng biển Bắc vịnh Bắc bộ có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng cao từ 0,5-0,8m do bão.
Đáng lưu ý, từ sáng 14/11, đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, so với hôm trước, các đài dự báo quốc tế đã “chụm” hơn, khi nhận định bão khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. “Thời gian gió mạnh nhất trên đất liền khoảng từ đêm 14 đến sáng sớm 15/11, gió có thể đạt cấp 8-9, giật cấp 11. Trọng tâm vùng ảnh hưởng từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Cần lưu ý dông lốc, gió giật mạnh trước khi bão đổ bộ gây tốc mái nhà dân”, ông Khiêm nói.
Ông Khiêm cảnh báo, từ ngày 14-16/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350 mm; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to từ 50-150 mm. Do mưa lớn nên các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện báo động 2-3, một số nơi trên báo động 3.
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, cơn bão số 13 khả năng “quét” dọc tuyến biển, trọng tâm là từ Hà Tĩnh vào Quảng Nam với sức tàn phá rất lớn trên biển. Đây là những vùng chịu thiệt hại rất nặng nề do các đợt bão, lũ vừa qua.
Đến chiều qua, 8 địa phương từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có lệnh cấm biển. Gần 60 nghìn tàu cá trên biển đã được kêu gọi, hướng dẫn trú tránh an toàn.
Sơ tán dân những vùng nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hơn 3.000 tàu bè trên biển của địa phương đã về trú tránh an toàn. Tỉnh đã lên phương án sơ tán 161 nghìn hộ dân trước 12h hôm nay (14/11). “Riêng ở vùng núi, sẽ đặc biệt ưu tiên sơ tán tại 93 điểm khảo sát có nguy cơ sạt lở với trên 10 nghìn hộ”, ông Thanh cho biết.
Theo ông Thanh, lưu vực các sông Vu Gia, Thu Bồn đã được lên kịch bản với đỉnh lũ trên mức báo động 3 khoảng 1m. Hơn 45 nghìn hộ dân sẽ được sơ tán. Về công tác tìm kiếm nạn nhân trong các vụ sạt lở tại huyện Phước Sơn và Nam Trà My, ông Thanh cho biết chỉ tiếp tục công tác này khi đảm bảo an toàn. “Trong tình huống không an toàn, tỉnh sẽ rút toàn bộ lực lượng tìm kiếm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lực lượng cứu hộ gặp nạn”, ông Thanh nhấn mạnh.
Tại Quảng Bình, lãnh đạo tỉnh này cho biết, lực lượng vũ trang tiếp tục giúp dân chằng chống nhà cửa và sơ tán đến nơi an toàn. Dự kiến 16h hôm nay (14/11), toàn bộ người dân tại các vùng xung yếu sẽ được di dời đến nơi an toàn. Do dự báo mưa lớn nên các huyện vùng “rốn lũ” như Lệ Thủy, Quảng Ninh đã có các phương án sẵn sàng ứng phó.
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, khu vực bão đổ bộ có hệ thống nuôi trồng thủy, hải sản rất lớn, với gần 43 nghìn ha và trên 150 nghìn lồng bè. Tuyến đê biển, đê cửa sông từ Thanh Hóa đến Phú Yên, có tới 60 vị trí xung yếu, 27 công trình đê, kè đang thi công. Nhiều vị trí đê, kè biển xung yếu đã bị sạt lở do các đợt bão, lũ vừa qua, hiện mới chỉ khắc phục gia cố tạm thời như: đê biển Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh); kè biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, kè biển Lý Hòa (Quảng Bình); kè biển Tam Quan (Bình Định)…
Ban Chỉ đạo lưu ý, hầu hết các hồ thủy điện, thủy lợi ở miền Trung, Tây Nguyên cơ bản đã đầy nước, trong đó Bắc Trung bộ trên 2.300 hồ, Nam Trung bộ gần 520 hồ và Tây Nguyên gần 1.250 hồ. Đáng lưu ý, các khu vực trên có 122 hồ hư hỏng, 116 hồ đang thi công.
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm công điện chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó phải kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trú tránh an toàn; không để người dân trên lồng bè, chòi canh, nuôi trồng thủy sản trước khi bão vào, nếu cần thiết phải cưỡng chế.
Phó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, bởi “với cấp bão vào đất liền giật cấp 11, nhiều nhà của người dân có thể bung hết mái. Nếu không sơ tán sẽ đe dọa đến tính mạng người dân”. Phó Thủ tướng đề nghị phải có kế hoạch sơ tán dân khỏi những vùng nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét. “Bộ TN&MT đã có cảnh báo những khu vực cụ thể. Do vậy, cần tập trung để sơ tán ngay, vừa rồi sạt lở gây thiệt hại rất nặng nề ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị…”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Đối với các hồ chứa ở miền Trung đã đầy nước, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cùng các địa phương rà soát ngay những hồ đập nào xung yếu để ứng phó, đồng thời lưu ý vận hành hồ đúng các quy định.
Đà Nẵng yêu cầu dân không ra khỏi nhà Ngày 13/11, UBND TP Đà Nẵng triển khai các biện pháp ứng phó bão số 13, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11. Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) dự kiến được nghỉ làm việc trong ngày 14/11, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở GD&ĐT cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14/11; đồng thời yêu cầu sơ tán dân hoàn thành trước 9h ngày 14/11. NGUYỄN THÀNH |
Tác giả: NAM KHÁNH
Nguồn tin: Báo Tiền phong