Ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FLC - từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính vì bán cổ phiếu nhưng không báo cáo - Ảnh: T.HUYỀN |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa ra thông báo vào sáng nay 11-1, cho biết: "Hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định."
SSC cho biết 17h45 chiều hôm qua (10-1) có nhận được báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch hôm qua, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao bất thường. Trong khi lâu nay mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình từ 15-40 triệu cổ phiếu.
Cũng trong phiên này, nhiều nhà đầu tư mới vừa "đua lệnh" mua cổ phiếu FLC giá trần vào buổi sáng, đến chiều bị giảm sàn.
"Đua lệnh mua thêm ở giá trần 24.100 đồng, cứ ngỡ lên 3-4x trong nay mai, ai ngờ cháy hết lãi", anh H. (nhà đầu tư, nhân viên văn phòng, TP.HCM) cảm thán khi chứng kiến giá cổ phiếu FLC sáng trần, chiều giảm sát giá sàn xuống mức giá sàn 21.1500 đồng/cổ phiếu trong phiên 10-1 (-6,2%).
Khi đang còn đinh ninh không rõ sự tình sao cổ phiếu FLC lại bị rớt giá mạnh và có khối lượng bán cao như vậy, thì đến buổi tối nhiều nhà đầu tư "bủn rủn tay chân" khi hay tin ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 10-1 cho đến 17-1 thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh để cơ cấu tài sản, giảm tỉ lệ sở hữu từ hơn 30,4% xuống còn 5,7%.
Số cổ phiếu ông Quyết đăng ký bán chiếm khoảng 20% lượng cổ phiếu FLC đang lưu hành, và chiếm gần 10% thanh khoản trên sàn của HoSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM) trong phiên.
"Đánh úp như thế này thì chết mất", anh D. (nhà đầu tư) chia sẻ.
Sở dĩ nhiều nhà đầu tư dùng từ "đánh úp", vì cho đến tối 10-1 họ mới biết tin ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán cổ phiếu từ chính ngày 10-1 đến 17-1.
Một thông tin quan trọng như vậy như chỉ vào website công ty này mới thấy. Đồng thời văn bản ghi rõ ông Quyết ký ngày 5-1 và HoSE là một trong những nơi nhận văn bản.
Tuy nhiên, cho đến ngày ngày giao dịch đầu tiên theo như đăng ký (10-1) và cho đến hôm nay 11-1, trên cổng thông tin của HoSE lại không xuất hiện - đây là nơi các nhà đầu tư theo dõi thông tin hằng ngày của tất cả mã chứng khoán đang niêm yết trên HoSE thay vì "canh chừng" khi nào doanh nghiệp bất chợt đăng riêng trên website.
Về việc giao dịch của tỉ phú Quyết, nhiều nhà đầu tư không quên hồi cuối năm 2017 ông từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xử phạt vi phạm hành chính do "bán chui" 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo trước. Ước tính trong thương vụ này ông Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỉ đồng theo giá thị trường, song số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng.
Cũng trong thời gian đó, CTCP xây dựng FLC Faros (ROS) do ông Quyết làm chủ tịch hội đồng quản trị cũng bị "dính chàm" khi SSC ra quyết định xử phạt với cùng nguyên nhân đã "bán chui" hơn 13,69 triệu AMD (CTCP đầu tư và khoáng sản AMD Group). Thời điểm đó nếu ROS mua lại cổ phiếu AMD thì có thể thu được hơn 136 tỉ đồng, song mức phạt chỉ 130 triệu đồng.
"Cắm đầu" giảm sàn ngay sau phiên lập đỉnh Về thị trường, trong thời gian gần đây cổ phiếu "họ FLC" đã tăng vọt. Chẳng hạn riêng mã FLC hồi đầu năm 2021 chỉ nằm quanh mốc 4.400 đồng/cổ phiếu, nhưng gần đây đã kéo tăng mạnh. Tuy nhiên sau khi lập đỉnh giá 22.550 đồng vào ngày 7-1, sang phiên kế tiếp (10-1) mã này đã lao dốc hơn 6% xuống 21.1500 đồng/cổ phiếu. Về phần cổ phiếu ROS (Xây dựng FLC Faros) cũng gây chú ý khi từ mức giá khoảng 2.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2021, sau đó cũng lập đỉnh vào ngày 7-1 với giá 16.000 đồng. Dù vậy mã này cũng chung tình cảnh "cắm đầu" giảm sàn xuống còn 14.900 đồng ngay sau phiên lập đỉnh. |
Tác giả: BÔNG MAI
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ