Thể thao

V-League khắc nghiệt và những dấu hiệu mờ ảo

Có hai HLV đã sớm chia tay V-League khi mới có ba vòng đấu và cuộc chơi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro lẫn những cú qua mặt ngoạn mục để tồn tại thời hậu COVID-19.

HLV phải rời V-League sớm nhất là Hoàng Văn Phúc sau chỉ có một trận ra quân ở đội bóng Sài Gòn do bất đồng nội bộ. Thật lạ khi Chủ tịch CLB Vũ Tiến Thành kiêm luôn chức HLV trưởng thì bóng đá Sài Gòn chơi rất hăng để nhảy lên chiếm ngôi đầu bảng xếp hạng. Nói thế để thấy sự khắc nghiệt của cuộc chơi lắm công phu mà không phải cứ giỏi tay nghề cầm quân trên sân cỏ thì kiểm soát được tình hình và thời vận của chính mình.

HLV ngoại đầu tiên bị trảm là ông thầy người Ý Fabio Lopez, cũng là HLV thứ hai của V-League sớm bật bãi sau chuỗi bốn trận thất bại cùng Thanh Hóa ở cả V-League lẫn Cúp Quốc gia. Cũng không ai ngạc nhiên vì bóng đá Thanh Hóa nổi tiếng là lò xay HLV, nơi một đội bóng mà người có tiền luôn lấn át cả chuyên môn.

Còn ít nhất ba HLV sau một vài sơ sẩy buộc phải chấp nhận rủi ro tiềm ẩn như Huỳnh Đức từng là công thần ở SHB Đà Nẵng, ông thầy Hàn Lee Tae-hoon năm ngoái giúp HA Gia Lai trụ hạng, hay tân HLV Phạm Anh Tuấn vẫn chưa yên ổn tại Hải Phòng.

HLV Lopez (trái) bật bãi khi Thanh Hóa thua liên tục trong khi Sài Gòn vừa thay tướng thì bất ngờ lên đầu bảng. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

V-League nhiều năm qua từng bị ví von như cái lò xay tướng thì mùa này có dấu hiệu công suất hoạt động sẽ càng mạnh mẽ hơn do những thay đổi theo mùa COVID-19. Các đội bóng chỉ có nửa đường để tránh nguy cơ xuống hạng nhất nếu lọt vào tốp 8 đội nửa trên bảng xếp hạng. Điều kiện này buộc họ phải dốc sức tăng tốc trong từng trận đấu để không phải rơi vào nhóm nguy hiểm sáu đội ở nửa dưới bảng sau giai đoạn một.

Sự khắc nghiệt của V-League còn là những toan tính chuẩn xác của từng đội nỗ lực tự thân để tồn tại, bởi họ không loại trừ có “liên minh ma quỷ” trong một số CLB anh em hoặc từ chính đội ngũ cầm cân nảy mực.

Rất khó nói chuyện một ông chủ “cho không” đội bóng đổi dự án đất vàng hay đầu tư trực tiếp vào địa phương để lấy những khoản ưu đãi và khi tay trái cầm tiền bỏ qua tay phải lại không có tác động đến sự thành bại của CLB. Không phải vô cớ bầu Đức mỉa mai “một thằng mập đánh không lại năm thằng ốm”, hay thầy ngoại Chung Hae-seong ngấm ngầm hiểu ra cuộc chơi có thể xoay chuyển từ hậu trường.

Đã từng có lời than vãn bầu Hiển đủ sức tổ chức một giải đấu gia đình sao không làm cho vui mà có thể gây ra sự thiếu công bằng ở V-League. Nhưng ở thời kỳ quá độ chuyên nghiệp 18 năm qua, vẫn chưa thấy ai đủ tầm mang lại sự trong sáng và cao thượng tâm phục khẩu phục trong bóng đá.

Trọng tài bị phản ứng và nguy cơ vỡ sân

Hầu như ở trận đấu nào tại V-League, trọng tài cũng bị các đội bóng tranh cãi quá mức. Như tại vòng 4, trọng tài Nguyễn Viết Duẩn hai lần rút thẻ vàng cảnh cáo HLV Chung Hae-seong và trợ lý trong trận TP.HCM thua khách Sài Gòn 0-1. Hay trên sân Pleiku, tổ trọng tài ngăn ngừa cầm chừng HLV Nguyễn Văn Sỹ của Nam Định sau những tiếng còi bị cho là thiên vị HA Gia Lai mà thiếu biện pháp cứng rắn hơn. Hai cách xử lý của trọng tài khác nhau với cùng một bản chất cho thấy sự chưa nhất quán của phương pháp trọng tài dễ gây suy diễn trong dư luận.

Trong khi đó, những sân bóng có nguy cơ vỡ và mất an toàn chưa có chế tài khả thi. Sau khi ban tổ chức trận đấu sân Thiên Trường bị phạt 15 triệu đồng vì để xảy ra các tình trạng khán giả xuống khu vực thi đấu, ném nhiều chai nước xuống sân ở trận Nam Định tiếp Viettel lại đến lượt sân Hà Tĩnh. Chỉ cho phép lượng người xem 15.000 nhưng ban tổ chức sân Hà Tĩnh để xảy ra việc những người gác cổng mở cho người quen tràn vào hơn 20.000 khán giả. Họ tràn xuống đường piste khiến cho trận đấu giữa Hà Tĩnh và Hà Nội phải tạm dừng 22 phút.

Tác giả: Công Tuấn

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP