Giáo dục

Vai trò của Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo trong việc chống gian lận thi cử

“Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo hay “Tư lệnh” ngành nói chung vừa phải đổi mới trong suy nghĩ, vừa quyết liệt trong chỉ đạo, đồng thời có những giải pháp phù hợp, để dư luận, xã hội có thể bắt kịp và ủng hộ quá trình đổi mới, chống tiêu cực phát sinh”, ĐBQH Phạm Tất Thắng nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra nhiều quyết tâm khắc phục tình trạng gian lận, tiêu cực trong thi cử, nhất là sau mùa thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua.

Nhiều cuộc tọa đàm cũng đã mở ra để thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm và tìm phương hướng làm trong sạch các kỳ thi của những năm tiếp theo. Bởi kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1” vẫn đang được cho là ưu việt hơn cả so với những thay đổi trước đây.

Tuy nhiên, những sai sót về mặt kỹ thuật, khâu tổ chức thi đã để lại nhiều bài học với ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng và một phần tổn thương với sự kỳ vọng, niềm tin của xã hội.

Vậy, giải pháp tối ưu nhằm đáp ứng sự kỳ vọng vào đổi mới giáo dục trong những năm tới và vai trò của “Tư lệnh” ngành Giáo dục và Đào tạo trong vấn đề chống gian lận thi cử như thế nào? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

ĐBQH Phạm Tất Thắng là người đã tham gia nhiều cuộc tọa đàm, hội nghị về vấn đề này và gần đây là tọa đàm: “Đổi mới thi cử - thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều chuyên gia đầu ngành. Ngày 17.9, tại Bộ GDĐT cũng đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng nhằm đánh giá lại kỳ thi năm 2018 và đề xuất những giải pháp để hoàn thiện kỳ thi năm 2019.

ĐBQH Phạm Tất Thắng đánh giá cao vai trò của "Tư lệnh" ngành trong vấn đề đổi mới và chống gian lận thi cử. Ảnh: Dương Thu.

PV: Thưa ông, được biết tại buổi tọa đàm vừa qua, nhiều ý kiến đã đề xuất không để cho địa phương chấm thi mà nghiên cứu chấm theo cụm hoặc chấm chéo. Việc này cũng đã được đại diện bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và khẳng định sẽ nghiên cứu. Đề xuất này này có đảm bảo chống được gian lận thi cử diễn ra một cách tinh vi như tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua không?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, một phương án đưa ra phải nhằm mục tiêu nào đó. Có những ý kiến đề xuất chấm chéo, hoặc tổ chức chấm tập trung… Điều này có thể nhìn thấy những ưu điểm như tăng tính khách quan nhưng cũng có những bất lợi khi công tác tổ chức khó khăn hơn và đi ngược lại với xu hướng giao quyền tự chủ cho địa phương.

Do vậy, phải tính toán kỹ làm sao có những biện pháp kỹ thuật tối ưu nhằm đảm bảo mục tiêu của kỳ thi, vừa đảm bảo tính khách quan công bằng lại không quá phức tạp về mặt tổ chức.

PV: Thực tế dù có chấm chéo hay chấm tập trung vẫn có thể xảy ra tiêu cực nếu khâu tổ chức thực hiện không làm nghiêm. Việc này sẽ là áp lực không nhỏ với bộ Giáo dục và Đào tạo?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Như tôi đã trả lời, mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Cần có quy định chặt chẽ và giải pháp kỹ thuật để làm sao tổ chức một kỳ thi khách quan, công bằng, hạn chế tối đa ý muốn chủ quan của cá nhân như kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua.

Việc chấm chéo hay đưa về Bộ chấm tập trung cũng chỉ là những giải pháp mang tính kỹ thuật và việc này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tổ chức.

Bây giờ, điều quan trọng nhất là quy định chặt chẽ, để một người không thể tham gia quá nhiều khâu, không thể tác động vào nhiều khâu trong quá trình tổ chức thi.

Thêm nữa, phần mềm phải có tính bảo mật cao hơn, ví dụ như năm vừa qua, phần mềm này có tính bảo mật không cao nên con người vẫn có thể can thiệp vào… Nếu lựa chọn phần mềm chấm thi có tính bảo mật cao thì chắc chắn sẽ hạn chế những vấn đề tác động chủ quan của con người.

PV: Nhưng thưa ông, thực tế kỳ thi THPT Quốc gia mấy năm gần đây cho thấy, chấm thi không phải khâu duy nhất dẫn đến một kỳ thi có quá nhiều “sạn”, thậm chí là gian lận, tiêu cực như các vụ việc xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... Khâu ra đề thi, ngân hàng câu hỏi, thậm chí ngay cả vấn đề quản lý con người của bộ chủ quản cũng còn nhiều thiếu sót cần khắc phục. Theo ông, bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải làm gì?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Tôi muốn nhấn mạnh việc cần đảm bảo cả hai yêu cầu. Thứ nhất là yêu cầu về mặt quản lý, từ phía ngành Giáo dục và Đào tạo, từ Bộ đến địa phương đều phải được siết chặt. Nhiều khi, một phương án đưa ra có thể tạo sự thuận lợi cho cơ quan quản lý chưa chắc đã thuận lợi cho thí sinh. Ví dụ đi thi ở địa điểm khác, tăng hiệu quả quản lý nhưng không thuận lợi với thí sinh.

Vấn đề thứ hai là phải tìm những giải pháp tăng cường bảo mật, an toàn để tăng tính khách quan, công bằng, chính xác của kỳ thi nhưng đồng thời không gây áp lực, gây khó dễ, khó khăn, tốn kém cho thí sinh.

Trách nhiệm đó là của cơ quan quản lý (bộ Giáo dục và Đào tạo –PV) và các địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có những thay đổi mạnh mẽ, cái gì là tồn tại, bất cập của kỳ thi năm nay và những kỳ thi trước thì phải khắc phục, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định, kỹ thuật để tổ chức được những kỳ thi năm sau tốt hơn.

PV: Câu hỏi cuối cùng, ông có thể đánh giá vai trò của “Tư lệnh” ngành Giáo dục và Đào tạo trong câu chuyện đổi mới và chống gian lận thi cử này?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Hiệu quả của công tác quản lý phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu. Người đứng đầu có quyết sách đúng, chỉ đạo quyết liệt thì công việc sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Nếu không quyết liệt, không có giải pháp táo bạo thì công việc không chạy, không đạt hiệu quả như mong muốn.

Tuy nhiên, việc đổi mới là một quá trình. Thêm nữa, mọi đổi mới vẫn phải đảm bảo nguyên tắc kế thừa, những gì trong quá trình đổi mới cần tránh thay đổi đột ngột, không chuẩn bị được kỹ lưỡng nhất là với dư luận thì cũng không đạt kết quả như mong muốn.

Do đó, vai trò của “Tư lệnh” ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng và các “Tư lệnh” ngành nói chung yêu cầu đỏi hỏi vừa phải đổi mới trong suy nghĩ, vừa quyết liệt trong chỉ đạo, đồng thời có những giải pháp phù hợp, để dư luận, xã hội có thể bắt kịp và ủng hộ với những đổi mới; tránh phát sinh những tiêu cực không đáng có trong quá trình thực hiện đổi mới này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tác giả: Dương Thu

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP