Xã hội

Vẫn còn 34 tàu và 94 người đang nằm trong vùng nguy hiểm của bão Sơn Tinh

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Cục Kiểm ngư kêu gọi 34 tàu/94 lao động đang hoạt động tại khu vực nguy hiểm vào bờ tránh trú an toàn trước 12 giờ ngày 18.7.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại buổi họp - Ảnh: mard.gov

Sáng nay 18.7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để đôn đốc công tác ứng phó bão số 3 (cơn bão Sơn Tinh).

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia, bão số 3 cách đất liền Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 470km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; khoảng chiều tối ngày 18.7, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão, ở phía Tây khu vực Bắc Biển Đông ngày hôm nay có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3 - 5m. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng nước biển dâng trên nền thủy triều cao khoảng 0,5m, sóng biển cao 2 - 4m, biển động mạnh.

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến sáng nay, vẫn còn 34 tàu với 94 người của các tỉnh Thái Bình, Bình Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Bình Định nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 3.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, hiện hồ Sơn La đang mở 1 cửa xả đáy (tốc độ hạ mực nước hồ khoảng 1,1m/ngày); hồ Hòa Bình đang mở 3 cửa xả đáy (tốc độ hạ mực nước hồ trung bình 0,5m/ngày).

Tùy theo tình hình mưa lũ, tiếp tục có phương án điều tiết để đảm bảo đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ chính vụ vào ngày 20.7.2018 theo chỉ đạo của Bộ trưởng - Trưởng ban tại Công điện số 11/CĐ-TW ngày 16.7.2018.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá tình hình hiện nay một số hồ chứa đã bị đầy nước, một số vùng trũng đã bị ngập trong khi đã bố trí xong vụ mùa. Do mưa to, dài ngày, trên tuyến đê biển 5 của tỉnh Thái Bình bị sạt lở 5 đoạn với tổng chiều dài 135m.

Thiệt hại về người và tài sản có 1 nhà bị sập đổ (Thanh Hóa), 5 nhà bị sạt lở (Nghệ An). Bão số 3 hiện đang di chuyển nhanh với tốc độ gấp đôi bình thường. Bão sẽ đổ bộ vào các vùng hiện đã và đang bị thiệt hại, do đó cần chú ý để tập trung ứng phó.

Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT phối hợp với lực lượng kiểm ngư kiểm tra tình trạng tàu thuyền, đảm bảo không có tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm; kiểm tra lại các khu vực tránh trú tàu thuyền; công tác cứu hộ phải sẵn sàng, luôn có lực lượng ứng phó; Bộ Ngoại giao cần tăng cường liên lạc với các nước bạn để tạo điều kiện cho tàu thuyền Việt Nam vào nơi tránh trú an toàn.

Về vấn đề sạt trượt trên đất liền, Bộ trưởng yêu cầu kiểm tra các đoạn kè, đoạn đê xung yếu trong bối cảnh triều cường đang ở mức cao nhất. Bộ trưởng lưu ý đến công tác ứng phó với thiệt hại do bão lũ với cây lúa ở các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định.

Khu vực Hà Nam cần cho tiêu thoát nước trước để chuẩn bị đón mưa lớn sắp xảy ra. Đối với tỉnh Nam Định và Thái Bình, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT sẽ lập đoàn kiểm tra tình hình cụ thể và đề ra giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại đến vụ mùa.

Tác giả: Lam Thanh

Nguồn tin: motthegioi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP