Tin trong tỉnh

Vấn nạn “đá tặc” ở Quỳ Hợp

Dù không được cấp phép khai thác mỏ nhưng gia đình ông Lê Giao, xóm Đồng Bản (Quỳ Hợp, Nghệ An) vẫn ngang nhiên mở đường, khoét núi rút ruột hàng ngàn m3 đá tại khu vực núi Hang Dơi (núi Nghĩa Địa).

Theo nguồn tin phản ánh với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, tại khu vực núi Hang Dơi (núi Nghĩa Địa), xóm Đồng Hưng, xã Đồng Hợp, huyện Qùy Hợp mặc dù không được cấp phép, nhưng gia đình ông Lê Giao, xóm Đồng Bản, xã Đồng Hợp vẫn ngang nhiên điều động phương tiện máy móc vào khai thác đá như công trường được cấp phép thực thụ. Bên ngoài gia đình ông còn làm bờ rào, cổng sắt cả khu vực núi Hang Dơi giống như tài sản riêng của gia đình.

Một người dân xã Đồng Hợp sống gần khu vực này cho biết tại khu vực núi Hang Dơi, xóm Đồng Hưng, xã Đồng Hợp bị xâu xé bởi khai thác đá trái phép. Nhiều lượt xe tải ra vào chở đi hàng nghìn m3 đá, nhưng chính quyền địa phương vẫn "làm ngơ". Nếu có cũng chỉ "hôm nay xử phạt hoặc có đoàn kiểm tra thì tạm nghỉ thời gian, sau lại hoạt động tiếp"...

Sau khi nhận được thông tin, PV có mặt tại hiện trường để ghi nhận: Tại khu vực trên, chúng tôi nhận thấy gia đình ông Giao đã làm bờ rào khoanh lại khu vực núi, ngăn không cho người ngoài vào, bên trong là một công trường núi đá hỗn độn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Lâm Chủ tịch UBND xã Đồng Hợp cho biết “Tôi mới làm Chủ tịch từ tháng 7 năm ngoái, trước đây là anh Lục, nay đã chuyển về làm chủ tịch UBND xã Tam Hợp. Khi tôi lên, sau khi nắm được thông tin thì tôi cũng đã chỉ đạo làm thông báo cho ông Giao về việc nghiêm cấm khai thác khoáng sản (đá xây dựng) tại Núi Hang Dơi nhưng nhiều lúc họ vẫn khai thác trộm”.

Được biết, ngày 13/1/2021, UBND xã Đồng Hợp đã ra thông báo số 32/TB-UBND cấm hành vi khai thác đá xây dựng tại khu vực núi Hang Dơi (núi Nghĩa địa) nhưng thực tế chỉ dừng lại ở mức thông báo chứ chưa có những hành động quyết liệt trong việc cưỡng chế hay xử phạt hành vi khai thác trái phép của gia đình ông Lê Giao này.

Dấu vết cho thấy ngọn núi này đã bị đào bới trong một thời gian dài. Diện tích bị đào bới lên đến hàng trăm m2 với chiều sâu gần 2m dưới bề mặt đất. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn m3 đá đã bị lấy đi từ khu vực này.

Một số hình ảnh Phóng viên ghi nhận được tại khu vực núi Hang Dơi (núi Nghĩa Địa), xóm Đồng Hưng, xã Đồng Hợp, huyện Qùy Hợp:

Trước những gì hiển hiện trên hiện trường, không thể không băn khoăn về vai trò quản lý nhà nước của các cấp, ngành, đơn vị đứng chân trên địa bàn. Đặc biệt là với chính quyền xã Đồng Hợp. Nói như vậy là bởi, khu vực diễn ra tình trạng khai thác trái phép cách UBND xã chỉ khoảng 2km.

Hơn nữa, việc cắt hạ, khai mở tuyến đường như đã nói trên là có quy mô lớn, phải diễn ra trong một thời gian dài và để khai thác, vận chuyển quặng đá, các đối tượng liên quan sẽ phải sử dụng các phương tiện chuyên dụng cỡ lớn. Nếu chính quyền địa phương làm đúng với chức trách nhiệm vụ được giao, rất dễ dàng phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hành vi khai thác trái phép khoáng sản.

Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được biết ngày 27/3/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành một chỉ thị số 04/CT-UBND để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Lý do UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND là bởi tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vẫn diễn ra ở một số địa phương làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách, hủy hoại môi trường, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội nói chung… Và một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng này đã được khẳng định là thuộc về chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) đã chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng, thờ ơ, thiếu trách nhiệm.

Tại Chỉ thị số 04/CT-UBND, UBND tỉnh khẳng định sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, phân định rõ ràng trách nhiệm: “Địa bàn nào xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trong thời gian dài, hoặc tái diễn hoạt động khoáng sản trái phép, thì Chủ tịch UBND cấp dưới phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp và trước pháp luật về các sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn”.

Bởi vậy, thiết nghĩ chính quyền huyện Quỳ Hợp cần khẩn trương kiểm tra, làm rõ tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tại xã Đồng Hợp; qua đó, nghiêm túc xem xét vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền xã, trường hợp chính quyền xã không đủ thẩm quyền xử phạt, UBND phải có phương án phối hợp thanh, kiểm tra, xử lý, chấm dứt tình trạng “chảy máu” tài nguyên như hiện nay.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

  Từ khóa: đá tặc , Quỳ Hợp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP