Tin trong tỉnh

Vào rừng ở để tự cách ly

Làm công nhân tại tỉnh Bình Dương, Tết vừa qua hai chị em Lầu Y Ka (sinh năm 1991) và Lầu Y Ia (sinh năm 1992), người dân tộc Mông ở bản Nậm Khiên 2, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn, Nghệ An) quyết định ở lại, dành tiền gửi về cho gia đình.

Nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty nghỉ việc dài ngày, hai chị em quyết định về quê. Đến địa phương, hai chị em thực hiện nghiêm khai báo y tế, rồi về thẳng lán của gia đình trong khu chăn nuôi của bản tự cách ly để phòng dịch.

Chị Lầu Y Ia trao đổi với cán bộ quân y Đồn Biên phòng Nậm Càn tại khu lán của gia đình. Ảnh: Mạnh Hùng

Xuất thân trong gia đình nghèo lại đông anh chị em, nên Y Ka và Y Ia đều rời bản đi làm công nhân tại tỉnh Bình Dương với mong muốn có thêm tiền để hỗ trợ bố mẹ nuôi các em ăn học. Tết vừa qua cả hai đều ở lại chỗ làm, dành tiền gửi về gia đình. Trên xe từ Bình Dương trở về gia đình, chị em Lầu Y Ka và Lầu Y Ia đã chủ động gọi điện thoại cho bố mẹ để báo cáo Đồn Biên phòng Nậm Càn và chính quyền địa phương. Do được đồn biên phòng và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 nên bố mẹ đã động viên các con cách ly tại gia đình. Tuy nhiên, do sợ ảnh hưởng đến gia đình và dân làng nên hai chị em Y Ka và Y Ia tự nguyện đến ở tại lán của gia đình trong khu chăn nuôi, sản xuất của bản.

Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An cho biết: “Khi nhận được thông tin đơn vị đã tư vấn để Y Ka và Y Ia đăng ký, khai báo y tế tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị và địa phương tại địa bàn. Lực lượng y tế đã hướng dẫn để hai em tự cách ly tại gia đình. Nhưng theo nguyện vọng cá nhân và gia đình nên Y Ka và Y Ia muốn cách ly riêng biệt. Sau đó, hai chị em đi xe máy vào thẳng khu lán trại tăng gia của gia đình vừa thực hiện cách ly, vừa lao động sản xuất. Hằng ngày, chúng tôi cử cán bộ quân y vào kiểm tra thân nhiệt cho hai chị em”.

Bản Nậm Khiên 2 có 71 hộ, với 406 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ngoài những ngôi nhà kiên cố ở trung tâm bản, các gia đình trong bản cũng khai hoang một diện tích rộng lớn để làm khu sản xuất, chăn nuôi gia súc. Khu vực chăn nuôi của dân bản Nậm Khiên 2, cách khu dân cư khoảng 4km đường rừng núi với nhiều lán trại của các hộ gia đình cách xa nhau. Bình thường, mỗi lán có 1-2 người ở lại để bảo vệ gia súc, hoa màu, lương thực của gia đình. Tại lán của gia đình mình, hai chị em Y Ka và Y Ia tự nấu ăn và thay bố mẹ chăm đàn gia súc trong thời gian tự cách ly.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An, Đồn Biên phòng Nậm Càn phối hợp địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch lây lan vào địa bàn; thành lập 4 chốt, với 27 cán bộ, chiến sĩ kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện trên các đường mòn, lối mở, ngăn chặn xuất nhập cảch trái phép trên biên giới, tuyên truyền vận động nhân dân địa phương thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Tác giả: VIẾT LAM

Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân

  Từ khóa: vào rừng ở , cách ly , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP