Gia cảnh nghèo khó và không vay mượn được tiền để chữa trị sớm nên vết bỏng của chị Lan đã biến chứng. Ảnh TG |
Bị bỏng nặng khi đang xông lá
Đó là tình cảnh của chị Nguyễn Thị Lan ở khối Hòa Đình, phường Nghi Thu (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). Chăm chị tại bệnh viện là bà Đậu Thị Trường (55 tuổi, mẹ chị) đang bón cháo cho con gái. Nhận thức có người đến thăm, chị Lan cựa mình, chào hỏi bằng ánh mắt yếu ớt. Gương mặt người phụ nữ vừa tròn 30 tuổi xanh xao, tái nhợt, những động tác chau mày xuất hiện liên tục vì đau đớn. Trước những câu hỏi của người ngoài về tình hình sức khỏe, bà Trường đều trả lời thay con gái.
Bà Trường kể, chị Lan và anh Phạm Minh Nhật (chồng chị) quen nhau khi cả hai đi làm công nhân. Gia cảnh anh Nhật nghèo khó, mẹ mất sớm, bố lại bệnh nặng. Cảm mến và thương hơn khi biết câu chuyện của gia đình anh, đủ duyên đủ phận, hai người nên nghĩa vợ chồng. Trước đây khỏe mạnh, chị cùng chồng chăm chỉ làm lụng để nuôi hai con thơ ăn học. Con trai cả đang học lớp 2, còn con gái thì học lớp 1. Đến với nhau từ hai bàn tay trắng, gánh nặng kinh tế nhiều lúc khiến vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt. Nhưng sau tất cả, họ vẫn lạc quan, nghĩ về một tương lai tốt đẹp, ước mơ về cuộc sống đủ đầy hơn.
Không ai ngờ rằng, sóng gió lại ập đến với ngôi nhà nhỏ. Cách đây 9 tháng, căn bệnh đau dây thần kinh tọa khiến chị Lan bị tê liệt tay phải và chân phải, đi lại khập khiễng. Ngày đó, gia đình cũng đưa chị đi chữa trị nhưng tình hình sức khỏe không thuyên giảm.
Kinh tế gia đình cạn kiệt, chị Lan trở về nhà tự chữa bệnh theo những bài thuốc lá dân gian, lời một thầy lang. Chiều tối 21/8, sau khi đun sôi nồi nước lá cho vợ xông, anh Nhật sang nhà người thân để đón hai con về. Chị Lan ở nhà ngồi xông hơi thì không may chân ghế gãy nên ngã nhào vào nồi nước nóng. Đầu óc tỉnh táo nhưng di chứng của căn bệnh thần kinh tọa khiến chị không thể nhấc nổi cơ thể thoát ra ngoài. Chị gào khóc, cầu cứu trong đau đớn. Khi hàng xóm phát hiện thì phần mông và đôi chân của chị Lan đã đỏ rực, phồng rộp.
Không có tiền, chị Lan ở nhà dưỡng thương. Chỉ đến khi vết bỏng ở phần mông và đôi chân của chị có dấu hiệu hoại tử diện rộng, thường xuyên sốt cao, sức khỏe kiệt quệ, chị mới gọi điện cho bố mẹ đẻ mình. Đó là 18 ngày sau khi xảy ra tai nạn.
“Tôi nghe tin con gặp nạn như sét đánh giữa trời. Trước đó, nó bệnh tật, tôi đã nhiều đêm mất ngủ vì thương. Vợ chồng tôi vay mượn họ hàng chút tiền rồi bàn bạc với gia đình bên nội con đưa cháu vào viện”, bà Trường nhớ lại.
Đang nằm chữa bỏng lại phát hiện bị u tủy
Chị Lan vượt tuyến nên chỉ được hưởng 48% bảo hiểm. Dù sức khỏe yếu nhưng chị không dám uống sữa hay tẩm bổ thêm, thậm chí, nhiều lúc chị và mẹ ăn chung suất cơm cho qua bữa để cầm cự lại bệnh viện. Chị Lan đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật đau đớn để cắt lọc những phần da thịt bị hoại tử từ đôi chân bỏng.
Kinh tế gia đình trước đã khó, giờ trở nên khó khăn hơn. Hiện, bà Trường và anh Nhật thay nhau chăm sóc chị. “Còn có hai bé ở nhà, con rể phải thường xuyên đi về để lo việc học hành cho các bé. Vợ ốm đau, con rể tôi làm công nhân cơ khí cũng phải nghỉ làm thường xuyên”, bà Trường cho biết. Được biết, vết thương của chị Lan hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu như gia đình lo đủ tiền chữa trị. Còn về căn bệnh đau dây thần kinh tọa, chị phải khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Điều đáng buồn hơn là trong những ngày nằm điều trị bỏng, chị Lan phát hiện bị u tủy. Các bác sỹ đã cho chị đi chụp chiếu khi thấy chị thường xuyên đau đầu, đau cổ và tay chân tê không cử động được như bình thường. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật gấp cho chị.
Hiện sức khỏe chị Lan chưa ổn định, vết thương đau, chưa thể ngồi được. Chị đang được điều trị tại Khoa Phẫu thuật thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ngoài điều trị di chứng từ tai nạn bỏng không được chữa trị kịp thời, các bác sỹ phải kết hợp thêm cả châm cứu, phục hồi chức năng cho chị.
“Con rể tôi về tuần trước rồi nhưng nghe nói không vay mượn được tiền. Tôi sợ con không có tiền sẽ phải về nhà mà không có tiền chữa trị lắm. Tôi mong mọi người thương tình, giúp đỡ, cho con gái tôi có cơ hội tiếp tục chữa trị để sớm trở về làm chỗ dựa cho hai đứa con”, bà Trường nghẹn ngào.
Mọi sự giúp đỡ chị Nguyễn Thị Lan - Mã số 415 xin gửi về: 1. Chị Nguyễn Thị Lan ở khối Hòa Đình, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. |
Tác giả: P.Thuận - Vũ Vũ
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội