Tin trong tỉnh

Về ngôi làng gói một cái bánh chưng trong vòng nửa phút ở xứ Nghệ

Không khí Tết về sớm với làng nghề bánh chưng Vĩnh Hoà. Những ngày này, người dân nơi đây tất bật quên ăn, quên ngủ làm bánh để kịp giao cho khách.

Bánh chưng làng nghề Vĩnh Hoà ở xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được làm bán quanh năm. Tuy nhiên, vào dịp cận Tết người dân nơi đây làm việc quên ăn, quên ngủ để kịp giao cho khách. Số lượng bánh những ngày này tăng lên gấp 2, 3 lần so với ngày thường.

Theo chị Phan Thị Khương, trú ở xã Hợp Thành, ngày bình thường gia đình chị có khách đặt hàng từ 2.000- 2.500 chiếc bánh chưng. Nhưng thời điểm cận Tết này, mỗi ngày gia đình chị phải làm trung bình khoảng 5.000 chiếc bánh/ngày. Để kịp giao hàng cho khách, gia đình chị phải huy động tất cả các thành viên trong nhà và thuê thêm người để làm. Người dỡ bánh, người gói bánh, người chẻ lạt, lau lá, hông đỗ, thái thịt…để kịp giao cho khách.

Ở làng Vĩnh Hoà này, đa số người dân đều gói bánh chưng, cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Bánh chưng Vĩnh Hòa có thương hiệu nổi tiếng bởi chất lượng, vị thơm ngon và độ dẻo không thể lẫn đi đâu được. Họ tuyển chọn kỹ nguyên liệu từ lá gói cho đến nếp, đậu xanh, thịt,…

Theo người dân nơi đây, việc chọn gạo nếp là khâu quan trọng, hạt nếp phải mình tròn mẩy, trắng,.... Nhân bánh bao gồm: thịt lợn, hành, đậu tằm xanh,... tạo nên mùi thơm và hương vị của chiếc bánh. Bánh chưng có thể nấu bằng củi, than hầm khoảng 6-7 tiếng đồng hồ. Nếu bánh tét có thể lâu hơn từ 10-12 tiếng đồng hồ. Đặc điểm của bánh chưng là nấu càng lâu càng dẻo

Theo quan sát của phóng viên, những người thợ ở đây gói bánh với tốc độ “thần tốc”. “Mỗi ngày gói hàng nghìn chiếc bánh để bán cho khách. Làm nhiều nên quen tay, chúng tôi chỉ mất khoảng 30 giây để gói một chiếc bánh mà không cần khuôn. Để có được một chiếc bánh chưng ngon không chỉ nằm ở cách chọn nếp, chọn thịt tươi ngon, đỗ xanh bùi quánh, hành tía thật già, mà còn cả những bí quyết gia truyền”, chị Khương cho biết thêm.

Bánh chưng ở làng Vĩnh Hòa mỗi nhà làm có một vị riêng, người ăn tinh ý đều có thể nhận ra bánh ấy của nhà nào. Mỗi gia đình đều có một bí quyết riêng để nấu bánh.

Theo anh Lê Thái Yên, SN 1971, nghề gói bánh chưng ở đây đã có từ lâu đời, mỗi dịp Tết đến người dân trong làng tất bật hơn khi có nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi. Bánh được bán khắp các tỉnh thành, thậm chí có nhiều người đặt để gửi sang nước ngoài.

“Ngoài bí quyết gia truyền làm bánh chưng, các đời, các hộ theo nghề làm bánh ở đây đều bảo nhau phải giữ gìn chữ tín. Nếu bánh không ngon, không chất lượng chúng tôi nhất quyết không bán. Bánh chưng ở đây có hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Gia đình làm bánh gia truyền được lâu. Dịp gần Tết như thế này, khách đặt càng nhiều", anh Yên chia sẻ.

Để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, người làm bánh chưng làng Vĩnh Hòa phải thức xuyên đêm, thuê thêm nhiều nhân công mỗi hộ mới có thể kịp các đơn hàng cận Tết.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Mạnh Linh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, huyện Yên Thành cho biết, làng nghề bánh chưng ở Vĩnh Hoà được công nhận vào năm 2005. Có hơn 200 hộ dân ở Vĩnh Hòa làm bánh chưng để bán hoặc để ăn trong những dịp lễ, Tết. Thế nhưng, để hành nghề một cách chuyên nghiệp thì chỉ có khoảng 80% số hộ dân. Cũng có gia đình cha truyền con nối đến 3 đời. Nghề này, không chỉ đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động mà còn đang lưu giữ và lan tỏa nghề truyền thống của địa phương. Chính quyền địa phương cũng nhắc nhở các hộ gia đình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ vững truyền thống chất lượng làng nghề.

Tác giả: Minh Tâm - Hà Hằng

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP