Trên tờ BMJ Case Reports tuần này, các bác sĩ Bệnh viện Braga (Bồ Đào Nha) cho biết năm 2016, người phụ nữ 31 tuổi đến khám trong tình trạng vai trái xuất hiện một vết bầm tím nhỏ, đường kính một cm đã 6 năm không khỏi.
Ban đầu, đội ngũ y tế hướng dẫn bệnh nhân sang khoa da liễu. Tuy nhiên, khi cô này tiết lộ vết bầm lớn lên theo thời gian, các bác sĩ quyết định kiểm tra kỹ hơn.
Nhờ kính hiển vi, các bác sĩ phát hiện tổn thương của bệnh nhân có nền tím và một lớp trắng xanh bên trên, dấu hiệu nghi ngờ ung thư. Kết quả sinh thiết xác nhận người phụ nữ đã mắc dermatofibrosarcoma protuberans (DFSP), một dạng ung thư tiến triển chậm bắt đầu từ lớp hạ bì của da.
Vết bầm tím nhỏ này hóa ra là dấu hiệu ung thư. Ảnh: BMJ. |
Theo các nghiên cứu trước đây ở Mỹ, DFSP rất hiếm gặp, tỷ lệ chỉ khoảng 0,8-4,5 trên một triệu người mỗi năm. Hiệp hội Da liễu Mỹ cho biết dù khối u dạng này thường không di căn, chúng vẫn có thể ăn sâu vào mỡ, cơ, xương; từ đó phá hủy mô và gây khó khăn cho quá trình điều trị.
May mắn, ảnh chụp CT cho thấy ung thư chưa lan sang các phần cơ thể khác của người phụ nữ 31 tuổi. Hai năm sau ca phẫu thuật cắt bỏ thành công phần ung thư, đến nay bệnh nhân không bị tái phát.
Các bác sĩ Bệnh viện Braga cho biết ngoài DFSP, ung thư hắc tố, dạng ung thư da nguy hiểm nhất, cũng biểu hiện ra ngoài bằng các vết bầm tím. Ngoài ung thư, một số vấn đề y tế khác khiến con người dễ bị bầm hoặc lâu khỏi bầm tím. Tốt nhất, để đảm bảo sức khỏe, mỗi cá nhân cần chủ động đi khám nếu thấy bất cứ vết thương nào lâu lành và lớn lên theo thời gian.
Tác giả: Minh Nguyên
Nguồn tin: Báo VnExpress