Vùng Gia Dù vốn được biết đến là nơi sản xuất nông nghiệp của người dân 2 khối Hòa Hải 1 và Hòa Hải 2, thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu). Theo lịch nông vụ thì đây đang là thời điểm mía cần chăm sóc, bón phân để cây phát triển.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hiện trên cánh đồng phẳng phiu không có một bóng người nông dân, cỏ mọc um tùm, gốc cây mía có hiện tượng đã đốt, nhổ rễ vứt ngổn ngang trên ruộng.
Gốc cây mía có hiện tượng đã đốt, nhổ rễ vứt ngổn ngang trên ruộng. Ảnh: Diệp Phương |
Nhà nằm sát đồng mía, bà Ngô Thị Liệu thở dài: “Nhìn cả cánh đồng bị bỏ hoang xót lắm, nhưng chúng tôi không còn đủ sức đeo đẳng với đồng mía nữa rồi. Cả năm “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” mà không thu về được đồng tiền lãi nào thì làm gì nữa".
Theo bà Liệu, gia đình bà có 2 sào đất trồng mía. Các năm trước, giá mía cao 900.000 - 950.000 đồng/tấn, trừ chi phí sản xuất gia đình bà lãi khoảng 8 triệu đồng; còn năm nay mía giảm còn 750.000 đồng/tấn, đường vận chuyển khó khăn nên bà Liệu phải thuê người chặt mía, bốc mía lên xe, tiền xe bo… khi trừ chi phí sản xuất đã lỗ vài trăm nghìn đồng, chưa kể công lao động bỏ ra dọn đồng, dọn cỏ, chăm sóc cây phát triển cả năm.
Trừ chi phí sản xuất, 2 sào mía nhà bà Liễu lỗ vài trăm nghìn chưa kể công lao động bỏ ra dọn cỏ, chăm sóc cây phát triển cả năm. Ảnh: Diệp Phương |
Chị Bùi Thị Loan trú tại khối Hòa Hải 1, thị trấn Tân Lạc chia sẻ: “Ban đầu chuyển đổi trồng mía ai cũng phấn khởi. Năm đầu tiên thu hoạch, 5 sào mía nhà tôi đạt khoảng 35 tấn, trung bình mỗi sào đạt khoảng 7 tấn; nhưng các năm sau đó cây mía lụi chết dần, sản lượng ngày càng giảm. Đến nay, sản lượng chỉ còn 3 tấn/sào.
Nguyên nhân là do đất chua, khô hạn nên làm mía không phù hợp. Hơn nữa, do dân trồng mía không đồng đều, nhà làm nhà không, một số hộ chăn thả trâu, bò phá đồng mía. Cộng thêm giá mía giảm mạnh nên chẳng còn ai "mặn mà" với cây mía, chúng tôi muốn chuyển trồng cây keo nhưng chính quyền địa phương không cho phép nên đành bỏ hoang ruộng đất thôi”.
Ông Lê Hải Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Châu cho biết, diện tích đất nông nghiệp của Khối Hòa Hải 1 và Hòa Hải 2 là 12 ha. Trước đây, người dân chủ yếu trồng cây lúa nước nhưng không hiệu quả nên từ năm 2015, huyện đã có chỉ đạo chuyển đổi sang trồng cây mía. Trước tình hình trên, trong tháng 3 vừa qua huyện đã có 2 buổi làm việc trực tiếp với UBND thị trấn và người dân khối Hòa Hải 1, Hòa Hải 2.
Trồng mía thất thu, 12 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở Quỳ Châu. Ảnh: Diệp Phương |
“Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân bỏ hoang ruộng đất, muốn chuyển đổi trồng cây keo. Thứ nhất, do giá mía giảm mạnh (hơn 20 giá, năm ngoái 950.000 đồng/ tấn, năm nay còn 750.000 đồng/tấn), chi phí sản xuất cao.
Thứ hai, lực lượng lao động ở Hòa Hải chủ yếu đi nước ngoài làm ăn, trong đó phần nhiều là đi Trung Quốc, ở nhà chỉ còn người già và trẻ em nên không muốn trồng hoa màu, muốn chuyển sang trồng keo để sau vài năm nữa họ trở về có thể chặt keo bán và giữ được đất.
Thứ ba, do các hộ không đầu tư chăm sóc đúng cách. Cây mía dễ sống nhưng đòi hỏi phải đầu tư phân bón để tạo ngọt cho cây, nếu sau năm đầu thu hoạch không chăm sóc thì cây còi cọc, giảm sản lượng là điều dễ hiểu” - ông Lý giải thích.
Cũng theo ông Lý, quan điểm của huyện, đất nông nghiệp phải trồng cây hàng năm, không được chuyển đổi trồng cây lâm nghiệp bởi keo là cây lâm nghiệp. Đồng thời, huyện cũng đã định hướng, khuyến khích bà con nếu trồng mía không hiệu quả thì chuyển qua trồng ngô sinh khối và lãnh đạo địa phương đã làm bản cam kết đầu ra cho bà con. Đối với những hộ đòi trồng cây keo, không chịu làm cây hàng năm và để hoang, huyện sẽ thu hồi đất để khoán cho những hộ dân muốn nhận sản xuất.
Tác giả: Diệp Phương
Nguồn tin: Báo Nghệ An