Tin trong tỉnh

Vì sao 83 hồ sơ dự án ở Nghệ An bị “ách tắc”?

Cấp chính quyền chậm báo cáo, nhà đầu tư chưa thể hoàn thiện thủ tục đầu tư…cùng nhiều vướng mắc đang tồn tại ở 83 dự án do doanh nghiệp triển khai đang bị vướng ở Nghệ An.

Thực trạng này đã phần nào khiến nhiều nhà đầu tư “lỡ hẹn” với tiến độ triển khai do vướng thủ tục pháp lý, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn địa phương này trong suốt thời gian qua nếu chưa được tháo gỡ kịp thời.

Vướng mắc thủ tục đầu tư khiến nhiều dự án rơi vào bế tắc suốt thời gian dài

Nhan nhản hồ sơ bị lỡ hẹn

Theo báo cáo mới đây của Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An vào ngày 08/3/2023, hiện ở địa phương đang tồn đọng 83 hồ sơ dự án do tư nhân triển khai thủ tục đầu tư chưa được giải quyết. Sở KH&ĐT Nghệ An cũng đã tổng quát nguyên nhân xảy ra vấn đề tồn đọng nói trên ở 03 nhóm đối tượng gồm: Nhà đầu tư; Sở, ngành liên quan; Địa phương cấp huyện.

Đáng quan tâm, trong số 83 hồ sơ được báo cáo lên UBND tỉnh Nghệ An thì có 10 hồ sơ Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi nhà đầu tư thông báo dừng giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ, do quá thời hạn yêu cầu nhưng nhà đầu tư vẫn không bổ sung hồ sơ.

Ngoài ra, theo thông tin của Sở KH&ĐT cho biết, đến đầu tháng 3/2023, hiện trên địa bàn còn còn 57 hồ sơ tồn đọng, trong đó có 53 hồ sơ tiếp nhận năm 2022 chuyển sang và 4 hồ sơ tiếp nhận vào năm 2023. Trong số hồ sơ này, 32 hồ sơ tồn đọng do trách nhiệm của nhà đầu tư trong quá trình thẩm định các sở, ngành yêu cầu bổ sung, điều chỉnh nhưng chưa bổ sung theo yêu cầu.

Đơn cử như dự án cơ sở sản xuất gạch không nung Ngân Hà tại xã Nghĩa Hoà, huyện Tân Kỳ do Công ty TNHH Gạch ngói Ngân Hà làm chủ đầu tư triển khai nộp hồ sơ từ ngày 09/9/2022. Đến ngày 15/9/2022, Sở KH&ĐT đã phát văn bản gửi các Sở, ngành, địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án này.

Nguyên nhân do nhà đầu tư đến ngày 02/3/2023 chưa bổ sung báo cáo theo yêu cầu của Sở Xây dựng. Cùng với đó, UBND huyện Tân Kỳ cũng không có báo cáo nên Sở KH&ĐT không có cơ sở để tổng hợp ý kiến đồng ý hay không đồng ý với việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án nói trên để tham mưu UBND tỉnh Nghệ An quyết định.

Còn đối với dự án khu thương mại dịch vụ tổng hợp Phi Sơn trên địa bàn xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu do Công ty TNHH xây dựng thương mại Phi Sơn làm chủ đầu tư nộp hồ sơ từ ngày 11/7/2022 nhưng đến nay, Sở KH&ĐT vẫn chưa nhận được ý kiến báo cáo của UBND huyện Diễn Châu. Mặt khác, các sở, ngành liên quan cũng có yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ nhưng đến nay tiến độ triển khai vẫn chưa hoàn thiện…

“List hoá” thủ tục để xử lý dứt điểm

Ngoài 03 nhóm nguyên nhân khiến gần 100 hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án đầu tư do doanh nghiệp triển khai xin thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An, dưới góc độ chủ doanh nghiệp cũng phản ánh nhiều vấn đề liên quan.

“Trước khi triển khai dự án xin Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp chúng tôi luôn ý thức phải làm chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Đất đai… Tuy nhiên, cùng với hàng loạt các quy định liên quan đến việc phải có ý kiến của Sở TN&MT, Sở GTVT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, xã, Thuế…thì nhiều thủ tục đã nằm ngoài dự kiến như doanh nghiệp đã tìm hiểu trước đó. Bởi hiện nay ngoài nhiều quy định ràng buộc, chồng chéo nội dung từ các Sở, ngành thì việc cụ thể hoá đến chi tiết các list nội dung mà doanh nghiệp phải hoàn thiện hiện nay vẫn còn chưa được minh bạch. Chính vì vậy, hồ sơ của chúng tôi dù đầy đủ các ý kiến chấp thuận từ những Sở, ngành, địa phương thì lại bị ách lại do có một Sở không thống nhất được ý kiến” - đại diện một doanh nghiệp ở huyện Quỳnh Lưu xin được giấu tên đang triển khai dự án đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Nghệ An cho biết.

Cũng theo ý kiến của một số chủ doanh nghiệp, hiện thủ tục cải cách hành chính ở Nghệ An trong vài năm trở lại đây đã được công khai, minh bạch nhưng khi triển khai cụ thể đến từng Sở, ngành, địa phương lại bị vướng đủ đường. Trong khi đó, theo như hướng dẫn, họ lại không nắm bắt được chi tiết cụ thể nên khi đi làm thủ tục luôn ở trạng thái bị động, thậm chí là bế tắc suốt thời gian dài…

Chính vì vậy, ngoài những nguyên nhân khách quan khiến thủ tục dự án đầu tư bị ách tắc, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An cần quan tâm, đôn đốc hơn nữa Sở, ngành, địa phương liên quan sớm giải quyết những vướng mắc để sớm giúp họ hoàn thiện hồ sơ. Nhà đầu tư cũng cần địa phương hướng dẫn cụ thể hơn nữa bằng cách mô phỏng các phương án từ những “phác đồ” có thể xảy ra đối với những dự án khi triển khai sẽ gặp phải ngay từ giai đoạn tiếp nhận hồ sơ, tránh mất thời gian cho cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp.

Trước tình trạng tồn đọng hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư của doanh nghiệp, vào ngày 13/3/2023, ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký ban hành văn bản số 1682 yêu cầu làm rõ nguyên nhân, có phương án tháo gỡ, giải quyết đối với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP