Bạn cần biết

Vì sao ăn thịt cóc rất bổ nhưng lại có thể tử vong?

Thịt cóc thường được cho trẻ con ăn để giúp các bé hết còi xương, tăng cường dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, ăn thịt cóc không đúng cách có thể bị ngộ độc nặng.

Làm thịt cóc để ăn có thể mất mạng.

Nhập viện vì thịt cóc

Chiều 15/10, nguồn tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đắk Lắk cho biết đang theo dõi vụ ba người là chị em gồm H’lan Niê (38 tuổi), H’Nin Niê Ê (30 tuổi) và Y Bil Niê (19 tuổi) cùng ở buôn Kli A, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thịt cóc.

Trước đó 1 ngày, ba chị em chị H’lan bắt một vài con cóc rồi làm thịt ăn (đã ăn nhiều lần và không bị ngộ độc). Khi phát hiện ba nạn nhân buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy, gia đình đã đưa đến bệnh viện thị xã Buôn Hồ để điều trị, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục theo dõi.

Trước đó, khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục tiếp nhận một bệnh nhi 11 tuổi, ở Hòa Bình, bị ngộ độc nặng do ăn thịt cóc.

Theo người nhà của bé gái này, bé đã cùng chị bắt được một con cóc rồi mang về tự nấu cho nhau ăn. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng, hai chị em cùng có biểu hiện nôn liên tục, li bì và được gia đình chuyển ngay vào bệnh viện huyện rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, mặc dù được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng người chị đã không qua khỏi.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cóc có chứa độc tố (nhựa cóc) trong một số bộ phận. Nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng. Độc tố của cóc là hợp chất Bufotoxin có tác động đến tim mạch, sau đó có thể gây rối loạn nhịp tim, gây tử vong gây ảo giác, gây hạ huyết áp... hoặc các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn…

Thành phần độc tố thay đổi tùy theo loài cóc. Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố này gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt...

Ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc. Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1-2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện: bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, block nhĩ-thất, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp.

Khi vào điều trị, bác sĩ thường điều trị triệu chứng. Trước đây, dinh dưỡng còn hạn chế nên người dân sử dụng thịt cóc nhưng hiện nay, dinh dưỡng đã phổ biến, có thể thay thế bằng trứng gà. Người dân có thể tăng gia ăn thịt, trứng, cá, vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng thay vì ăn thịt cóc.

TS.BS Lê Ngọc Duy - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu chống độc-Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thịt cóc chứa nhiều đạm và kẽm, thường được người dân chế biến cho trẻ ăn, hy vọng chữa lành bệnh còi xương, suy dinh dưỡng cho con cháu.

Thịt cóc không chứa độc tố, tuy nhiên nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố, trong đó có độc tố chết người như tetrodotoxin. Ngoài ra, gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin - một chất cực độc, dễ gây chết người, chế biến ở nhiệt độ cao cũng khó bị phân hủy. Nếu sơ chế thịt cóc sai quy trình có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong.

Sơ cứu ngộ độc thịt cóc

TS Lâm Quốc Hùng (Cục An toàn thực phẩm) khuyến cáo việc tự chế biến cóc làm thực phẩm có nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người dùng. Để dự phòng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc, chỉ sử dụng những sản phẩm chế biến đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.

TS Hùng khuyến cáo ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả.

Nếu phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo), cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu. Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ôxy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận...

Người bị ngộ độc phải được thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...

Tại các cơ sở y tế, người bệnh có thể được điều trị chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ôxy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận...

Tác giả: K. Chi

Nguồn tin: infonet.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP