Một góc dự án Formosa Hà Tĩnh |
Formosa thuộc chế độ giám sát đặc biệt và nghiêm ngặt
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngay sau khi FHS nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan đưa FHS vào “chế độ giám sát đặc biệt và nghiêm ngặt” để thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS, đảm bảo không để tái diễn sự cố.
Từ ngày 22/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Tổ giám sát FHS trong việc thực hiện cam kết khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.
Ngày 26/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 2 Trạm kiểm định môi trường di động vào giám sát việc xử lý nước thải của FHS, tần suất lấy mẫu nước thải tại các vị trí là 3 lần/ngày. Các Trạm kiểm định môi trường di động sẽ được vận hành liên tục trong thời gian là 3 năm.
Để đảm bảo việc kiểm soát nước thải, khí thải, chất thải rắn của FHS đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt nguyên tắc kế hoạch, lộ trình khắc phục hậu quả vi phạm và kế hoạch giám sát môi trường đối với FHS với thời gian thực hiện dự kiến đến hết năm 2019.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, năm 2017 đã triển khai 7 đoàn giám sát; tháng 3/2018 đã triển khai 1 Đoàn, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các Đoàn giám sát định kỳ 2 tháng/lần hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật.
Quá trình kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với FHS sẽ tiếp tục được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh duy trì thực hiện cho đến khi FHS hoàn thành toàn bộ các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế như cam kết và theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, FHS đã phối hợp với các cơ quan khoa học kỹ thuật, các chuyên gia về môi trường trong nước và quốc tế thực hiện kế hoạch cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải, với tổng kinh phí là 343,921 triệu USD (dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 100 triệu USD cho một số hạng mục bổ sung khác).
Hiện nay, các hạng mục công trình xử lý chất thải bổ sung đã được hoàn thành đưa vào vận hành, xử lý ổn định. Trong đó có hệ thống hồ sinh học kết hợp với ứng phó sự cố về nước thải, diện tích trên 10 ha. Hệ thống xử lý nước thải, khí thải đã được FHS lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động liên tục 24/24, có camera theo dõi, giám sát và truyền trực tuyến số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát.
Riêng việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hiện nay FHS đang sử dụng phương pháp làm nguội ướt, không làm phát sinh nước thải ra môi trường) và lắp đặt thiết bị xử lý khí thải bổ sung tại xưởng thiêu kết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hiện vẫn đang trong lộ trình thực hiện, dự kiến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục này theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Kết quả kiểm tra, giám sát đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định và cũng thường xuyên cung cấp cho các cơ quan, thông tấn báo chí.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Formosa Hà Tĩnh thuộc diện giám sát đặc biệt và nghiêm ngặt. |
Giám sát liên tục và đột xuất quá trình khắc phục hậu quả
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng hợp kết quả giám sát của Bộ, tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học từ tháng 7/2016 đến nay cho thấy nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra ngoài môi trường luôn đảm bảo đạt các QCVN. Kết quả quan trắc, đo đạc mẫu nước biển ven bờ, nước mặt tại kênh thoát nước mưa, nước ngầm, trầm tích đáy và không khí xung quanh khu vực hoạt động của Dự án đảm bảo đạt quy chuẩn quy định và phù hợp với giai đoạn trước khi FHS vận hành thử nghiệm Dự án.
FHS đã thực hiện phân định các loại chất thải rắn phát sinh để quản lý theo quy định; đã tiến hành hợp chuẩn, hợp quy đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được phân định như tro bay, tro đáy, thạch cao của nhà máy nhiệt điện; xỉ hạt lò cao, xỉ thép của xưởng luyện gang và xưởng luyện thép để làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng... theo quy định của Bộ Xây dựng.
Đối với các loại chất thải rắn khác không có khả năng tái chế và chất thải nguy hại phát sinh được FHS chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế kiểm tra, giám sát liên tục, định kỳ và đột xuất quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS, đảm bảo các nguồn chất thải phát sinh được thu gom, xử lý triệt để, đạt QCVN quy định trước khi thải ra ngoài môi trường.
Bộ này cũng sẽ tiếp tục yêu cầu FHS khẩn trương hoàn thành lắp đặt hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường còn lại nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo theo đúng tiến độ đã cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí