Tin trong tỉnh

Vì sao dân phản đối trồng chè?

Sau khi cây cam xuống giá, hiệu quả kinh tế thấp, hàng chục hộ dân nhận khoán đất của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành Nghệ An (gọi tắt là Nông trường Xuân Thành) xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã chuyển sang trồng mía. Tuy nhiên họ bị nông trường lập biên bản, bắt trồng chè. Nếu người dân không đồng ý sẽ bị cưỡng chế.

Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành Nghệ An nơi có hàng chục hộ dân nhận khoán kiên quyết không trồng chè theo quy hoạch.

Bức xúc vì phải trồng chè

Sau nhiều năm nhận khoán trồng các loại cây chủ lực như cao su, cam, đến nay, do nhiều lý do, các loại cây nói trên bắt đầu kém hiệu quả, lợi nhuận thấp nên hàng chục hộ dân đã chuyển sang trồng mía, hoa màu.

Theo các hộ dân, thời điểm này trồng mía lợi nhuận cao, chi phí đầu tư thấp, ổn định, được nhà máy thu mua ngay. “Sau một thời gian trồng cam, do chu kỳ nên đến nay loại cây trồng này bắt đầu kém hiệu quả, gia đình chuyển đổi sang trồng mía. Nhưng, không riêng gì nhà tôi, các hộ dân trong xã Minh Hợp này đều bị Nông trường Xuân Thành ngăn cản, nếu không đồng ý họ sẽ thu hồi đất” - ông Trần Văn Nga, xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp bức xúc nói.

Tương tự gia đình ông Hà Văn Trường (63 tuổi), xóm Minh Hồ có hơn 1ha nhận khoán của nông trường, sau thời gian trồng cam không hiệu quả, hộ ông Trường chuyển đổi sang trồng mía. “Cây cam thời điểm này kém hiệu quả, trái thì nhỏ, cây thì què quặt, giá cả bấp bênh. Sau khi thanh lý cây cam, gia đình chuyển sang trồng mía. Với lý do, nhanh thu hoạch, lợi nhuận cao, chi phí đầu tư chỉ bằng 1/5 so với trồng chè. Nhưng, Nông trường Xuân Thành không đồng ý. Họ bắt chúng tôi trồng chè, một cây công nghiệp đầu tư cao, hiệu quả thấp, đầu ra bấp bênh”- ông Trường nói.

Không chỉ những hộ trồng mía, những hộ khác chuyển sang trồng hoa màu cũng bị Nông trường Xuân Thành “ép” bắt trồng chè. “Nhà tôi có 1 héc ta đất trồng cao su, không hiệu quả nên phá đi, trồng đậu. Công ty yêu cầu gia đình phải trồng chè, gia đình giải thích là trồng chè không hiệu quả, chuyển sang trồng đậu, nhưng họ không đồng ý” - bà Nguyễn Thị Hải, xóm Minh Hồ cho biết. Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Thái An có hơn 5.000m2 đất nhận khoán, hợp đồng đến năm 2028. Tuy nhiên, khu đất nằm trong quy hoạch trồng chè, nên khi trồng mía đã bị nông trường lập biên bản, thậm chí đề nghị cưỡng chế. Đó cũng là bức xúc của hàng chục hộ dân nhận khoán đất của Nông trường Xuân Thành tại xã Minh Hợp. Điều họ mong muốn là trồng loại cây có giá trị, năng suất cao và chi phí đầu vào thấp. Nhưng hiện nay, những mong mỏi trên vẫn chưa được Nông trường Xuân Thành đồng ý.

Ngoài việc phản đối trồng chè, người dân còn cho rằng nông trường thu thuế, phí quá cao. Trong nhiều năm qua, không đầu tư hạ tầng cho người dân sử dụng. Thậm chí, họ để cho người dân “tự bơi” khi không hỗ trợ phân, cây giống, khoa học kỹ thuật. “Đến tháng họ gửi giấy thu tiền thuế, phí của người dân chứ từ khi nhận khoán đất của họ, chúng tôi không được hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật, không được hỗ trợ giống, phân bón… vai trò của nông trường không có” - một người dân xóm Minh Hồ bức xúc.

“Chịu áp lực để có vùng nguyên liệu”

Ông Lê Viết Minh - Chủ tịch HĐTV - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cho biết: Doanh nghiệp đang phải chịu áp lực để có vùng nguyên liệu. Theo ông Minh, quỹ đất của Nông trường Xuân Thành hiện có hơn 1,7 nghìn héc ta. Riêng quy hoạch vùng nguyên liệu chè đến 2025 khoảng 450ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới trồng được gần 20ha, năm 2022 cố gắng trồng mới từ 80-90ha.

Khi được hỏi, hiện người dân nhận khoán đất của nông trường đang phản đối trồng chè, họ muốn trồng mía hiệu quả cao hơn, các chi phí đầu vào thấp. ông Minh cho rằng, người dân đưa ra những đòi hỏi này không đúng với quy định. Bởi, chủ lực của một nông trường là cây công nghiệp dài ngày. Riêng tại Nông trường Xuân Thành đã có quy hoạch cụ thể về khu đất trồng chè. Cũng theo ông Minh, hiện nông trường đã có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến chè khoảng 12 tỷ đồng vào năm 2023. “Vì kế hoạch này, nên chúng tôi chịu áp lực để có vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến vào 2 năm nữa”- ông Minh cho biết thêm.

Dù vẫn thừa nhận việc trồng mía suất đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vẫn cho rằng các hộ dân phải tuân thủ quy hoạch trồng chè theo quy định. Ông Minh cho rằng: Trồng cây chè đã được Nhà nước hỗ trợ khoảng 20 triệu/ha, cây chè có thời gian kinh doanh dài (trên 50 năm), đầu ra tốt, giá cả ổn định. “Hiện Nông trường 3/2 sát bên cạnh đã ký cam kết thu mua chè cho bên chúng tôi” - ông Minh khẳng định. Riêng các phản ánh của người dân về việc không hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật… ông Minh không trả lời.

Tác giả: ĐIỀN BẮC

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP