Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Tài chính Bình Định vừa ký Quyết định 113/QĐ-STC phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói: Cung cấp xi măng thực hiện Chương trình bê tông hóa nông thôn và kiên cố hóa kênh mương năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Quyết định công bố đơn vị trúng thầu là Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai, có địa chỉ phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai, Nghệ An. Gói thầu có giá 103.626.141.000 đồng, giá trúng thầu của Vicem Hoàng Mai là 96.636.485.414 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng trong 12 tháng.
Đây là gói thầu thực hiện theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ. Biên bản mở thầu vào ngày 15/4/2024 ghi nhận có 4 nhà thầu tham gia gồm Vicem Hoàng Mai, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, Công ty CP Bicem và Công ty CP Dịch vụ - Thương mại Quy Nhơn. Với việc bỏ giá thầu thấp hơn các đối thủ chưa đến 200 triệu đồng, Vicem Hoàng Mai đã giành phần thắng.
Quyết định phê duyệt vừa được ông Nguyễn Thanh Hải ký |
Theo hồ sơ của PV, đây là lần thứ 2 Vicem Hoàng Mai thắng thầu trong năm 2024. Trước đó vào tháng 1/2024, Vicem Hoàng Mai thắng gói thầu số 01 - Mua xi măng bao PCB 40 để làm đường giao thông nông thôn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới và chính sách đặc thù năm 2023 của tỉnh Nghệ An (đợt 2). Gói thầu này có giá trúng thầu hơn 46,4 tỷ đồng.
Tại Sở Tài chính Bình Định, Vicem Hoàng Mai từng tham gia 2 gói thầu thì trúng cả 2, gồm cả gói thầu nêu trên. Còn lại là gói cung cấp xi măng thực hiện Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định (tháng 8/2023, giá trúng thầu hơn 127,5 tỷ đồng).
Tính chung về hoạt động đấu thầu, Vicem Hoàng Mai từng tham gia 15 gói thầu, trúng thầu 14 gói, trượt 1 gói. Trong đó, Vicem Hoàng Mai là nhà thầu ‘bất bại’ tại Sở Tài chính Nghệ An, khi thắng cả 11/11 gói thầu với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Đây đều là các gói thầu cung cấp xi măng cho chương trình nông thôn mới ở địa phương này.
‘Ông lớn’ xi măng Nghệ An lỗ chồng lỗ
Như Kinh tế Chứng khoán Việt Nam từng đưa tin, Xi măng Vicem Hoàng Mai đã khép lại năm kinh doanh 2023 với bộ mặt ảm đạm, cũng như hầu hết doanh nghiệp xi măng khác trên cả nước. Cụ thể sau nhiều năm làm ăn có lãi, Công ty ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 33,7 tỷ đồng.
Vicem Hoàng Mai từng giải trình rằng, thị trường bất động sản ảm đạm và EVN tăng giá điện là hai nguyên nhân chủ chốt khiến Công ty bị lỗ trong năm 2023.
Bước sang 2024, tình hình bết bát trong kinh doanh vẫn chưa được cải thiện, Công ty lại báo lỗ chồng lỗ. Quý đầu năm, Công ty ghi nhận doan thu ở mức 364,5 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp chỉ còn 17,6 tỷ đồng, giảm đến 63,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 78,3% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức hàng chục tỷ đồng, khiến Công ty lỗ ròng 40,1 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm 2024.
Vicem Hoàng Mai lỗ nặng sau quý 1/2024 |
Trong văn bản giải trình, Vicem Hoàng Mai tiếp tục nhấn mạnh về tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng của những biến động trên thế giới, các thị trường chính của xi măng Việt Nam bảo hộ sản xuất trong nước, dựng hàng rào kỹ thuật thương mại. Ngoài ra, nguồn xi măng dư thừa, giá rẻ từ Indonesia, Thái Lan, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ… gây áp lực lớn đến sản lượng và và giá trị xuất khẩu của xi măng Việt Nam.
Trong kỳ, Công ty cũng chủ động dừng lò nung phục vụ sửa chữa lớn, bảo dưỡng thiết bị kết hợp giảm hàng tồn kho nên sản lượng sản xuất Clinker quý 1/2024 giảm 135.000 tấn so với cùng kỳ làm lợi nhuận giảm 16 tỷ đồng. Ngoài ra, giá xi măng nội địa bình quân quý 1/2024 là 908.000đ/tấn, giảm 86.000đ/tấn so với cùng kỳ khiến lợi nhuận giảm 21,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Vicem Hoàng Mai tiếp tục nhắc lại câu chuyện EVN điều chỉnh tăng giá điện 2 lần vào năm 2023 khiến lợi nhuận công ty bị giảm. Trong khi đó, giá điện bình quân quý 1/2024 là 1.708 đồng/kwh, tăng 116 đồng/kwh so với cùng kỳ gây áp lực lớn về lợi nhuận.
Đến hết quý 1/2024, tổng tài sản Vicem Hoàng Mai ở mức 1.375,3 tỷ đồng, giảm 5,5% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn giảm khoảng 70 tỷ đồng, chủ yếu do tiền mặt ‘bốc hơi’ 54,7%. Hàng tồn kho giảm đáng kể, nhưng các khoản phải thu lại tăng thêm 40,3%, cho thấy Công ty đang bị khách hàng chiếm dụng vốn khá lớn.
Về nguồn vốn, điểm tích cực là nợ phải trả đã giảm được gần 40 tỷ đồng so với đầu năm 2024, xuống mức 486,4 tỷ đồng. Dù vậy dòng tiền thuần trong kỳ bị âm đến 106,2 tỷ đồng, trong đó dòng tiền kinh doanh âm gần 50 tỷ đồng. Rõ ràng Công ty đang chịu áp lực lớn về tài chính.
Tác giả: Cao Thái
Nguồn tin: kinhtechungkhoan.vn