Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP. |
"Kết quả trên đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam, thể hiện nước ta là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, là dịp tạo bước tiến mới trong quan hệ với Mỹ và Triều Tiên", Thủ tướng nói.
Ngoài ra, trong dịp này, Việt Nam đã quảng bá ra thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
"Chúng ta đã giới thiệu có hiệu quả về đất nước Việt Nam với nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, mến khách", Thủ tướng nói và biểu dương nỗ lực của một số bộ, ngành, địa phương liên quan trong đó Hà Nội đã thể hiện ấn tượng sâu sắc, "làm rất nhiều việc cụ thể để có thủ đô xanh, đẹp, trật tự".
Mặc dù hai bên chưa ký được thỏa thuận, nhưng theo lãnh đạo Chính phủ, đây là dịp hướng tới kết quả tích cực ở tương lai và trong việc thúc đẩy hòa bình tại bán đảo Triều Tiên.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019, Thủ tướng cho rằng có nhiều mặt tích cực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 chỉ tăng 0,8%...
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, sản xuất công nghiệp còn nhiều vấn đề, do nghỉ Tết dài ngày và do chu kỳ sản xuất kinh doanh của một số sản phẩm đang trong quá trình thay đổi. Ông lưu ý việc dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở 5 địa phương, hay vấn đề giá lúa đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp. Do đó, "giải pháp nào, chủ trương mới nhất nào là việc cần tập trung thảo luận?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Phiên họp Chính phủ tiếp tục diễn ra trong sáng nay.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại khách sạn Metropole sáng 28/2 kết thúc sớm hơn kế hoạch. Hai lãnh đạo đã không ăn trưa cùng nhau và ký kết tuyên bố chung như kế hoạch ban đầu. Trong buổi họp báo sau đó, Tổng thống Mỹ cho biết hai bên còn tồn tại bất đồng liên quan đến lệnh cấm vận của Washington. Còn trong cuộc họp báo sau đó, Triều Tiên thông báo họ chỉ theo đuổi việc dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt, không phải toàn bộ. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ dỡ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn các cơ sở sản xuất hạt nhân, bao gồm plutoni và urani, và cho phép chuyên gia Mỹ vào thanh sát. Tuy nhiên, Mỹ không chấp nhận đề xuất này. |
Tác giả: Viết Tuân
Nguồn tin: Báo VnExpress