Tin trong tỉnh

Viết tiếp về Bệnh viện Da liễu Nghệ An: Hoạt động khó khăn, phải "cầu cứu" tỉnh hỗ trợ chi trả nợ lương, nhân sự và trang thiết bị

Là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh trực thuộc Sở Y tế, đồng thời là cơ sở tuyến cuối tại khu vực Bắc Trung bộ, nhưng từ khi nâng cấp, thành lập đến nay, Bệnh viện Da liễu Nghệ An hoạt động cầm chừng, có dấu hiệu “bết bát”. Những tồn tại và cả những sai phạm sau khi cơ quan chức năng chỉ ra, yêu cầu khắc phục, song trong thời gian dài đến nay không mấy khả quan, buộc phải “cầu cứu” cấp trên…

Sau gần 5 năm nâng cấp, hoạt động tại Bệnh viện Da liễu Nghệ An rất khó khăn. Ảnh: Xuân Thống

Bệnh viện Da liễu Nghệ An tiền thân là Trạm Da liễu Nghệ An, được thành lập từ năm 1964, sau này được nâng cấp thành Trung tâm Chống Phong - Da liễu Nghệ An.

Trước nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhất là một số bệnh về da, bệnh lây qua đường tình dục và chăm sóc da thẩm mỹ, trên cơ sở đề nghị và chấp thuận của cấp có thẩm quyền, UBND tỉnh Nghệ An quyết định thành lập Bệnh viện Da liễu Nghệ An trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Chống Phong - Da liễu.

Sau khi thành lập, bệnh viện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến tỉnh, hạng 3, trực thuộc Sở Y tế Nghệ An, sẽ chịu sự chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế và Bệnh viện Da liễu Trung ương. Thời gian đầu thành lập, bệnh viện là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.

Việc ra đời một cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa với kỳ vọng tạo sự thay đổi toàn diện cho công tác phòng, chữa bệnh chuyên sâu về da liễu, bệnh lây truyền qua đường tình dục ở tỉnh và vùng lân cận, góp phần giảm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, giảm chi phí và thời gian điều trị cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm (từ tháng 12/2019) đi vào hoạt động đến nay, qua báo cáo tình hình hoạt động về công tác y tế tại bệnh viện này đã cho thấy một thực tế khó khăn và đến nay chưa thể có giải pháp căn cơ để đưa bệnh viện ổn định và phát triển.

Trong suốt thời gian vận hành, hoạt động, nhiều vấn đề phát sinh tại bệnh viện đã dẫn đến nội bộ thiếu đoàn kết, lãnh đạo khoa xin thôi việc, bệnh nhân không được khám hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), nhà thuốc “đóng cửa”, nguồn thu “chạm đáy"… đã tác động trực tiếp đến người bệnh, ảnh hưởng đến ngành Y tế cũng như sự “sống còn” của bệnh viện.

Những vấn đề nội tại này kéo dài đã dẫn đến đơn thư gửi đến nhiều cấp, ngành khiến tâm lý, tư tưởng từ lãnh đạo đến người lao động nơi đây dao động, khó yên tâm công tác.

Đáng chú ý, quá trình vào cuộc kiểm tra, xác minh của Sở Y tế đã chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm, nhất là đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cũng như vai trò của cấp uỷ của bệnh viện.

Những tưởng các vấn đề không mấy thuận lợi ở cơ sở khám chữa bệnh này được khắc phục kịp thời, nhưng lại diễn biến ngày một phức tạp, đó là khi Sở Y tế có kết quả kiểm tra, báo cáo xác minh đơn thư và được UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan thanh tra vào cuộc rà soát, tham mưu xử lý, thì một số nội dung phức tạp ngoài thẩm quyền của ngành đã được Sở Y tế chuyển hồ sơ vi phạm sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để xem xét, xử lý theo quy định.

Sau 6 tháng hoạt động của năm 2024, tình hình tại bệnh viện không có sự chuyển biến về công tác chuyên môn, mua sắm trang thiết bị, công tác tổ chức bộ máy, biên chế và tuyển dụng, đào tạo, nhất là chế độ, chính sách sát sườn cho đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế.

Hiện tại, bệnh viện không có dược sỹ đại học cơ hữu nên không tổ chức nhà thuốc theo quy định cũng như tổ chức mua sắm đấu thầu hoá chất sinh phẩm. Ảnh: Xuân Thống

Báo cáo kết quả 6 tháng năm 2024 của bệnh viện đã thể hiện rõ những tồn tại. Đó là bệnh viện chưa triển khai được công tác điều trị nội trú; chưa ký được hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với BHXH tỉnh năm 2024; chưa tổ chức lại được hoạt động nhà thuốc bệnh viện; một số khoa, phòng mặc dù đã được thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động (khoa Điều trị tổng hợp), chất lượng phục vụ bệnh nhân ít nhiều còn hạn chế; một số chỉ tiêu chuyên môn tiến độ 6 tháng còn thấp so với kế hoạch năm đề ra; thu không đảm bảo chi dẫn đến việc chi trả lương chậm.

Báo cáo do ông Huỳnh Phúc Sơn, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Nghệ An ký đã đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung, trong đó kiến nghị UBND tỉnh và Sở Nội vụ có phương án tháo gỡ khó khăn trong nhân sự; có phương án hỗ trợ bệnh viện về trả nợ lương viên chức kéo dài (trên 5 tháng) nhằm ổn định cuộc sống viên chức và từng bước ổn định hoạt động bệnh viện.

Kiến nghị Sở Y tế có phương án hỗ trợ bệnh viện triển khai công tác nhân sự, trang thiết bị và phê duyệt danh mục thuốc - vật tư y tế để bệnh viện có đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT và tổ chức điều trị nội trú; đồng thời phê duyệt phương án tự chủ của bệnh viện giai đoạn 2023 - 2025 và hướng dẫn bệnh viện tổ chức hoạt động nhà thuốc đúng quy định của pháp luật.

Tại Báo cáo số 166/BC-BVDL ngày 25/5/2024 về tình hình hoạt động của bệnh viện, hiện biên chế, số lượng người làm việc tại bệnh viện là 33 người, trong đó có 9 viên chức được Sở Y tế điều động, biệt phái.

Thực trạng cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu của một bệnh viện chuyên khoa da liễu; trang thiết bị y tế hỏng hóc thường xuyên, do đó, bệnh viện chỉ đáp ứng được xét nghiệm nấm, xét nghiệm nước tiểu, sinh hoá máu (nhưng đã hết hoá chất, chưa mua được).

Theo lãnh đạo bệnh viện, kinh phí hoạt động thường xuyên hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu sự nghiệp tại bệnh viện, ngân sách Nhà nước chỉ cấp cho một số kinh phí phục vụ công tác phòng bệnh và sửa chữa.

Từ đó, đối chiếu với kết quả hoạt động tài chính từ năm 2022 - 2024 tại bệnh viện cho thấy không mấy khả quan, dẫn đến thâm hụt.

Cụ thể, trong năm 2022 thì đến 14/2/2023 mới có đủ tiền để trả lương và các khoản phụ cấp cho viên chức tháng 12/2022; năm 2023 thì đến 31/12/2023 mới có đủ tiền để chi trả lương và các khoản phụ cấp cho viên chức đến tháng 7/2023. Đến 18/5/2024, sau khi cân đối các nguồn, bệnh viện đã vay thêm trên 704 triệu đồng từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi trả cho viên chức các khoản như lương và phụ cấp (từ tháng 8/2023 đến tháng 10/2023) cùng các khoản trực ngoài giờ, phụ cấp thủ thuật 2023.

Báo cáo đã thể hiện, đến 25/5/2024, bệnh viện còn nợ lương và các khoản phụ cấp của viên chức từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024 (tổng là 7 tháng) và nhiều khoản chưa đóng góp gồm kinh phí công đoàn và BHXH.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước thực trạng khó khăn hiện nay tại Bệnh viện Da liễu Nghệ An, lãnh đạo sở và công đoàn ngành y tế đã bám sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế; đồng thời đã có sự hỗ trợ, động viên về mặt tinh thần, vật chất. Gần đây là dịp tết 2024, Công đoàn ngành Y tế tỉnh đã hỗ trợ 33 suất quà mỗi suất 500.000 đồng cho 100% viên chức, lao động; vận động ngân hàng ủng hộ 10 triệu đồng và đề xuất lãnh đạo Sở Y tế hỗ trợ mỗi cán bộ 500.000 đồng.

Trước đó, trong năm 2023, Báo Thanh tra có nhiều bài phản ánh tại Bệnh viện Da liễu Nghệ An.

Đáng chú ý, liên quan xử lý các vi phạm qua kiểm tra đơn thư tại bệnh viện, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có chỉ đạo xử lý, Giám đốc Sở Y tế có văn bản chuyển hồ sơ kiểm tra, xác minh sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh điều tra, kết luận và xử lý.

Kết quả soát xét của tổ công tác liên ngành Thanh tra tỉnh Nghệ An về nội dung "bệnh viện không thực hiện dịch vụ kỹ thuật vi nấm và ghẻ nhuộm soi trên tất cả bệnh nhân có chỉ định xét nghiệm vi nấm nhuộm soi hoặc ghẻ nhuộm soi nhưng vẫn thu tiền của bệnh nhân", đã thể hiện:

"Chịu trách nhiệm nội dung này là Giám đốc Bệnh viện - người đứng đầu nhưng thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành để các tập thể, cá nhân trực thuộc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây hậu quả không thể khắc phục được".

Tác giả: Đức Anh

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP