Kinh tế

Vietnam Airlines bị kiểm toán đặt dấu hỏi "khả năng hoạt động liên tục"

Nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn 18.444 tỷ đồng, kinh doanh lỗ 6.678 tỷ đồng, dòng tiền âm 5.362 tỷ đồng… ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines trong 12 tháng tới.

Nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn 18.444 tỷ đồng, kinh doanh lỗ 6.678 tỷ đồng, dòng tiền âm 5.362 tỷ đồng… ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines trong 12 tháng tới.

Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines ở mức cao trong khi rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề nửa đầu năm nay

Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh

Cho rằng, bản báo cáo tự lập của Vietnam Airlines đã phản ánh “trung thực và hợp lý”, tuy nhiên, Deloitte đã nhấn mạnh về việc tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines cao hơn 18.444 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn.

Nửa đầu năm, tổng công ty này có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ 6.678 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi 1.517 tỷ đồng) và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỷ đồng (cùng kỳ dương 5.326 tỷ đồng).
Theo nhận định của đơn vị kiểm toán, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động tài chính, sản xuất kinh doanh của tổng công ty.

Khả năng hoạt động liên tục trong 12 tháng tới sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp cũng như diễn biến của dịch bệnh.

“Những điều kiện này cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines” - kiểm toán viên của Deloitte đánh giá.

Về phía Vietnam Airlines, Ban Giám đốc tổng công ty này cũng cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ngành hàng không toàn cầu, trong đó có Vietnam Airlines.

Theo ông Dương Trí Thành, Ban giám đốc của hãng đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh để ứng phó và giảm thiểu tố đa ảnh hưởng của dịch bệnh; tận dụng tối đa sự chia sẻ và hỗ trợ của các đối tác, nhà cung cấp để duy trì hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Hiện tại, Vietnam Airlines đã đề xuất và kiến nghị Chính phủ có các giải pháp giải cứu kịp thời để hỗ trợ hãng vượt qua khủng hoảng.

“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tổng công ty sẽ vượt qua khủng hoảng và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng và tốt nhất cho giai đoạn phục hồi và phát triển” - ông Thành cho hay.

Giảm lương nhân viên, đàm phán gia hạn nợ

Theo thuyết minh tại báo cáo tài chính, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc Vietnam Airlines thường xuyên triển khai các kế hoạch ứng phó khủng hoảng để công ty có thể duy trì khả năng hoạt động liên tục.

Các biện pháp được đưa ra thực hiện có thể kể đến là điều chỉnh lịch bay, chặng bay phù hợp với nhu cầu thị trường và diễn biến kiểm soát dịch của Chính phủ nhằm tối ưu hoá chi phí và sử dụng đội tàu bay hiện có.

Trong tháng 5/2020 đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, Vietnam Airlines cho biết, đã mở thêm 22 chặng bay trong nước, duy trì thị phần khách nội địa.

Hãng đã thực hiện cơ cấu lại dịch vụ vận tải, trong đó tăng chuyến bay chở hàng trong giai đoạn suy giảm vận tải hành khách. Đồng thời, đàm phán giảm giá giãn, hoãn tiến độ thanh toán với các đối tác

Tổng công ty này còn quyết liệt thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí quản lý chung, chi gián tiếp, chi quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến thương mại, chi phí bán. Điều chỉnh chính sách sử dụng lao động và chí phí lao động bao gồm chi phí lương của phi công, tiếp viên, lãnh đạo và các bộ phận khác trong tổng công ty.

Được biết, năm nay, thu nhập bình quân của phi công dự kiến giảm từ 147 triệu đồng/tháng hồi năm ngoái xuống 77 triệu đồng/tháng (tương ứng giảm 47,6%); thu nhập bình quân của tiếp viên giảm từ 28,8 triệu đồng/tháng xuống còn 13,8 triệu đồng/tháng và của lao động mặt đất giảm từ 31,4 triệu đồng/tháng xuống còn 14 triệu đồng/tháng.

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, tổng công ty này đã đàm phán lùi lịch nhận máy bay thuê hoạt động trong đó có 8 máy bay dòng B787 và A320 NEO đã được gia hạn nhận từ 4 tới 7 tháng bay vì nhận trong năm 2020 theo thoả thuận ban đầu.

Bên cạnh đó, hãng này cũng tìm kiếm các nguồn thu khác từ thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, thanh lý các khoản đầu tư. Trong năm 2020, Vietnam Airlines đã thực hiện bàn giao 3/5 máy bay A321 CEO thuộc hợp đồng thanh lý 5 máy bay đã ký từ năm 2019, thu về 365 tỷ đồng. Chủ trương của hãng là bán 9 máy bay A321 CEO sản xuất năm 2007-2008.

Ngoài ra, tại báo cáo này, kiểm toán viên cũng lưu ý tại ngày 30/6/2019, tổng công ty đã điều chỉnh hồi tố khoản chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái phản ánh trên khoản mục chi phí tài chính.

So với báo cáo tự lập, chi phí tài chính sau hồi tố giảm 170 tỷ đồng còn 1.374 tỷ đồng. Việc hồi tố nhằm đảm bảo phù hợp chuẩn mực kế toán, Thông tư số 200 năm 2014 của Bộ Tài chính.

Theo thuyết minh, thời gian vừa qua, Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng như cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi phí…; chính sách về thuế, dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất; giảm tiền thuê đất, giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành đi, đến với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 đến hết tháng 9/2020.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: kiểm toán , Vietnam Airlines

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP