Thông tin trên vừa được ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines nói tại hội thảo chiều nay (12/6). Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hãng hàng không quốc gia Việt Nam phân tích chi tiết về những thiệt hại tài chính do Covid-19 và phương án phục hồi.
Theo ông Hiền, Vietnam Airlines dự kiến vẫn lỗ 15.000 – 16.000 tỷ đồng năm nay. Với quy mô hiện tại, không được bay một tháng, hãng lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Máy bay "nằm đất", hãng vẫn chi trả nhiều chi phí cố định. Đồng thời, chỉ trong giai đoạn giữa tháng 2 đến cuối tháng 3, doanh nghiệp này đã phải trả gần 4.400 tỷ đồng tiền hoàn vé cho khách hàng vì các chuyến bay bị huỷ.
Từ cuối tháng 5, hãng khôi phục được tần suất các chuyến nội địa, lượng khách phục hồi theo hình chữ V nhưng hãng cũng vẫn chưa giảm mức lỗ được xuống 1.000 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hiền trình bày về tình hình tài chính của Vietnam Airlines tại sự kiện chiều 12/6. Ảnh: Anh Tú. |
Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines cho rằng nếu không được Chính phủ - cổ đông lớn nhất hỗ trợ, đến tháng 8, hãng có thể cạn tiền và rơi vào trạng thái rất xấu sau đó.
Trước khi xin trợ giúp, Vietnam Airlines đã làm tất cả những gì có thể như cắt giảm chi phí, lương phi công, tiếp viên... Đây là những "giải pháp bắt buộc, đau đớn" nhưng cũng chỉ giảm chi phí được 4.300 – 4.500 tỷ đồng, theo ông Hiền.
Do chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó Covid-19 rất sớm - ngay từ đầu tháng 2, Vietnam Airlines đàm phán với các đối tác giãn nợ, hỗ trợ để giữ dòng tiền, có đối tác giảm cho hãng hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuê tàu bay năm nay.
"Xin Chính phủ hỗ trợ" được Vietnam Airlines giải thích là được vay chứ không phải xin tiền. Cụ thể, hãng này đề nghị được vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng và nhiều nhất là 12.000 tỷ đồng.
"Chúng tôi không xin nhà nước bơm tiền, mà đề nghị được vay và sẽ trả", ông Hiền nói và cho biết hãng vẫn trụ được cho đến hôm nay vì tình trạng tài chính "khoẻ mạnh" tính đến đầu năm nay.
Bên cạnh đó, hãng bay này cũng đề xuất phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn nhưng cũng phải mất đến 5-6 tháng. Do vậy, ông Hiền cho rằng phải kết hợp cả hai phương án này.
Về việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới đây cho biết muốn tham gia tái cơ cấu Vietnam Airlines sau dịch, với mục tiêu trở thành cổ đông của doanh nghiệp này, ông Hiền thông tin hai bên đã gặp nhau để trao đổi nhưng chưa có phương án cụ thể.
Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không toàn cầu năm nay có thể hụt thu khoảng 419 tỷ USD. Các hãng bay nhiều khả năng lỗ 84 tỷ USD, so với kế hoạch lãi 35 tỷ USD trước dịch Covid-19.
IATA cho rằng phải đến năm 2022, hàng không mới quay lại được mức như cuối năm 2019, một số đường bay xuyên lục địa có thể phải đến năm 2023 mới phục hồi.
Tác giả: Anh Tú
Nguồn tin: Báo Vnexpress