Giải trí

“Vinh phố của tôi” với văn học hiện đại

Tôi biết Phạm Thùy Vinh khi chị đoạt giải Nhất Tác phẩm tuổi xanh Báo Tiền phong (năm 1996). Sau tác phẩm “Bỗng nhoài ra biển” (2010), chị trở nên quen thuộc trong đời sống văn học Việt Nam. Từ đó tôi mặc định chị là nhà thơ xứ Nghệ, trong văn hóa Lam Hồng, trong dòng chảy từ Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đến Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Trọng Tạo, Thạch Quỳ… Mãi sau này tôi mới biết, Phạm Thùy Vinh không sinh ra ở xứ này, vì yêu mà về đây rồi thành nhà thơ xứ Nghệ, là con dâu thành phố Vinh để rồi viết nên những dòng thơ “Vinh phố của tôi” da diết đến vậy.

Khi nghe bạn bè cho hay, Thùy Vinh sắp cho ra đời tác phẩm mới, tôi chắc là lại tập thơ nữa, bởi chị là nhà thơ. Khi “Vinh phố của tôi” đến tay, tôi đã rất ngạc nhiên. Thoạt tiên, tác phẩm mới của Phạm Thùy Vinh không mang hình dáng một tập thơ mà trong đó có cả thơ, tản văn, tạp văn, ghi chép, phóng sự, văn học tư liệu… Nghĩa là tổng hợp nhiều thể loại văn học trong một tác phẩm mà văn học hiện đại thế giới đang là một khuynh hướng, một trào lưu.

Chân dung nhà thơ Phạm Thùy Vinh. Ảnh: Facebook nhân vật


Một cuốn sách đậm chất thơ

Tôi là người Nghệ, nhà không xa Vinh nhưng tôi vốn định kiến với dân kẻ chợ. Tôi ngại và giữ kẽ với đời sống thành thị nên đã hăm hở đọc “Vinh phố của tôi” với con mắt… “soi mói”. Nhưng rồi với sự hấp dẫn và đẫm chất thơ của tác phẩm, qua tình cảm giao hòa và sẻ chia của tác giả, tôi đã nhận ra và khẳng định chắc chắn rằng đây là tập thơ gồm 56 tác phẩm (kể cả “Lời nói đầu”, “Lời cảm ơn” và ảnh minh họa lung linh màu sắc, ánh sáng nghệ thuật). Bởi “Nếu ai biết để trái tim mình nói/ Thì người đó mới là thi sĩ”.

Thùy Vinh viết: “Ta đã yêu Vinh như trót đã yêu người/ Những lo lắng, điên rồ, những bình yên khắc khoải”. Và thảng thốt câu hỏi: “Nếu một ngày không yêu nhau nữa?/ Ta phải làm gì để có thể quên nhau” (Vinh). Với những rung cảm tinh tế, nhạy cảm, sâu sắc tràn trề tình yêu máu thịt, ngập tràn cảm xúc. “Ừ, thì chiều vãn nắng chạy ra ngoại ô. Chầm chậm những vòng xe. Để hít hương gió sông Lam, mùi lúa vừa chín tới trên cánh đồng, mùi bèo tây trổ hoa tím, mùi lũ trâu thung thăng về trên đê, mùi cỏ ngai ngái sống mũi. Ngắm làng chài, làng cói xôn xao… Tôi gọi đó – những chiều ngoại ô lơ lửng.” (Chiều ngoại ô lơ lửng). Với những rung động tinh tế gần gũi đời thực nhưng thánh thần, thiêng liêng: “Những cây bằng lăng, lạ thật. Cả những cây còn non cũng cố vặn mình trổ hoa” (Phố bốn mùa). Chị viết về bốn mùa của Vinh hay viết về cuộc đời của mỗi chúng ta? “Nhưng cũng như tình yêu của tôi và mọi người với phố, cũng như những gửi gắm của tôi trong phố bốn mùa, rằng, thiên nhiên và cuộc sống vẫn mãi tiếp nối, vẫn luôn luôn mới. Những cái tươi mới của hôm nay đã được kế thừa từ lớp lớp những cũ kỹ xưa kia… Và cái cũ kỹ ấy, dường như, chưa bao giờ mất cả…” (Phố bốn mùa).

Nhà thơ thương cái đang qua đi. Nhà thơ nhớ cả những cái tầm thường nhất, bình thường nhất mà tương lai sẽ mai một. Những quán bán nước chè xanh, kẹo cu đơ, gói thuốc lào với những cái ghế gãy ở những con phố nhỏ liêu xiêu nhưng đã gắn bó với mỗi số phận con người của thành phố Vinh, đã thành máu thịt trong mỗi đời người. (Trong các tác phẩm: “Yêu Vinh từ một con phố”, “Những góc nhỏ quen thân”, “Khi còn thương nhớ”. “Ai và những người cuối cùng”, “Lao xao tiếng chợ”, “Góc phố phận người”, “Những gương mặt phố Vinh”, “Nơi thiên đường sách cũ”…). Xa hơn, sâu thẳm hơn Chế Lan Viên (“Khi ta ở chỉ la nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”), thơ Thùy Vinh bỗng hóa tâm hồn khi ta chưa đi, không đi mà ngay khi đang sống với nó cùng bao nỗi nhọc nhằn và cay đắng, cả khi nghèo đói và nhếch nhác đời thường.

Thùy Vinh là nhà thơ sớm nói về chủ nghĩa Hậu hiện đại… Một trong những yếu tố cơ bản của nó là Luyến tiếc – hoài niệm tương lai (là những gì chưa đến). Người đọc sẻ chia, chấp nhận thực tế trong nuối tiếc của nhà thơ: “Tôi vẫn biết, những thứ cũ kỹ và lạc hậu sẽ mất đi như một quy luật cuộc sống, nhưng tôi cũng hiểu rằng, không phải tất cả những thứ mất đi hay bị thay thế đều không đẹp, không có giá trị. Thậm chí chúng đã từng rực rỡ và giờ đây có thể vẫn rực rỡ trong cái vẻ hoang tàn.

Tôi, cũng như bao nhiêu cư dân phố Vinh này, sẽ yêu và mãi nhớ chúng, kể cả khi đến một ngày kia, chúng khép lại con mắt buồn và tan biến…” (trích “Những ô cửa thương nhớ”).

Văn học Hiện đại thế giới với chủ nghĩa Hậu tiêu dùng cũng đặt ra những thực tế cho các nhà lý luận những vấn đề thú vị. Trước hết là chức năng văn học. Vị trí các chức năng cần phải thay đổi. Thứ tự Nhận thức, Giáo dục, Thẩm mỹ… phải xem xét lại. Ngày nay phải là Thông tin, Giải trí rồi mới đến các chức năng khác, mới phù hợp với thời đại công nghệ 4.0.

Với thời đại Công nghệ số (Digital), chức năng đầu tiên của văn học phải là Thông tin. Bạn đọc không có thời gian để đọc hàng trăm, hàng ngàn trang sách của tiểu thuyết trường thiên, nhiều tập như từ thế kỷ XX trở về trước, mà văn chương phải viết ngắn gọn, nhiều thông tin. Văn chương Thông tấn và điện tín ra đời gần thế kỷ nay. Những “Vĩ tuyến 42” (“The 42nd Paralled” của John Doss Passos), “Ông già và biển cả” (“The Old Man and The Sea” của Hemingway) và nhiều tác phẩm thể loại này làm thay đổi diện mạo văn học thế giới. Đến lượt “Vinh phố của tôi” cho người đọc những bài thơ nối tiếp nhau như giấc mơ suốt “Phố bốn mùa”, “Những biển hiệu” đến “Những ô cửa thương nhớ”. Từ “Tiếng chổi khuya” đến “Những ngọn đèn” và “Những cái cây bên đường Ngư Hải” hay “Mưa phố”, “Mùi phố”… Chị để nguyên cả một phần trong tập thơ văn xuôi này cho “Ghi chép vụn về phố”, mà vẫn thơ, vẫn hấp dẫn người đọc không chỉ bằng tư liệu ghi chép được.

Văn hóa đọc thế kỷ này cũng có nhiều biến động để phù hợp với nhịp sống hiện đại của xã hội Hậu công nghiệp và Tiêu dùng. Với một văn bản, người đọc chỉ cần đọc qua, đọc lướt trang thôi là đủ. Người đọc không còn đọc trang sách từ trái qua phải, từ trên xuống dưới nữa mà có thể có cách đọc khác. Sách in chữ đậm, chữ to, kiểu chữ khác nhau trong cùng một trang đã ra đời không chỉ là mode mà là đáp ứng nhu cầu của người đọc. “Vinh phố của tôi” đã làm điều này. Thật lạ. Trong 56 bài thơ bằng văn xuôi, bạn có thể đọc hết cả bài nhưng cũng có thể chỉ cần đọc mấy dòng đầu in chữ đậm. Phần này nhà thơ tóm tắt nội dung và hồn cốt của cả bài mà không lặp lại trong bài, tránh được cảm giác trùng lặp.

Cuốn sách “Vinh phố của tôi” của nhà thơ Phạm Thùy Vinh. Ảnh: Lý Uyên


Đọc “Vinh phố của tôi” và những liên tưởng thú vị

Đọc “Vinh phố của tôi”, bên cạnh hồn thơ trong trẻo của một tâm hồn nhạy cảm và đằm thắm cũng cho ta liên tưởng với những tác phẩm văn chương và biên khảo, ghi chép: “Hà Nội 36 phố phường” (Thạch Lam), “Thương nhớ mười hai” (Vũ Bằng), “Đôi mắt người Sơn Tây” (Quang Dũng), “Quê mình Xứ Nghệ” (Mai Hồng Niên), “Nghệ An ký” (Bùi Dương Lịch), “Sông Đông êm đềm” của Sholokhop, “Truyện Kiều” với sông Tiền Đường của Nguyễn Du…

Không chỉ là Vinh phố mà cả thành phố Vinh, cầu Bến Thủy, sông Lam, Cửa Hội và vùng ngoại ô thấm đẫm chất Vinh. Nhà thơ còn cho ta biết về địa hành chính, lịch sử thành phố Vinh từ “Kẻ Ván”, “Kẻ Vinh” rồi “Vinh Giang”, “Vinh Doanh”, “Vinh Thi”… phố xá, con người, phong tục, lối sống, nhất là chợ: chợ Vinh, chợ Cửa Bắc, chợ Cửa Đông, chợ Ga, chợ Cọi, chợ xép, chợ tạm, chợ Nghi Phú, chợ Quán Hành, chợ Quán Bàu… “Mỗi chợ lại có một gương mặt riêng” (“Lao xao tiếng chợ”). Những người quét rác, buôn bán vặt, bà bán xôi chè buổi sáng, sinh viên, công chức nghèo, thanh niên xung phong đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước trong chiến tranh chống Mỹ về đây trong nghèo nàn và không còn tuổi thanh xuân để lấy chồng, lấy vợ, cố kiếm chút con cho tuổi già. Họ là những người công nhân, nông dân, người chăn bò, đánh cá trên sông Lam, trên biển Hội Thống, dưới chân cầu Bến Thủy… Với tấm lòng yêu thương tha thiết Vinh, chị viết nhiều về Khu tập thể Quang Trung bởi trong đó có tổ ấm bé mọn của gia đình, người yêu của mình. Với sự nhạy cảm của nhà thơ đang yêu, chị phát hiện ra cái mâu thuẫn trong tình cảm giữa việc xây dựng thành phố Vinh hiện đại, tập trung và bảo lưu truyền thống, giữ gìn, níu kéo quá khứ thấm đượm tình người (“Khi còn thương nhớ”)… Đó cũng là vấn đề nan giải của đất nước và xã hội hiện đại.

Người đọc tìm gì ở đây? Những con số, những địa danh, tên đường, tên phố, những mái lều bán bún ốc, bánh đa, kẹo cu đơ hay những gánh quà sáng, quán bán cà phê của Vinh. Hay đi tìm chất thơ trong vắt nhưng nặng trĩu tâm hồn của một nữ nhà thơ yêu Vinh tha thiết đến thế mà có lúc như hờn tủi, tự dằn vặt trách móc mình yêu như vậy là chưa đủ, bởi nhà thơ đến với Vinh từ những ngày Vinh còn nghèo, còn bệ rạc, xộc xệch sau chiến tranh.

Vinh bây giờ đã khang trang, hiện đại, giàu sang, và nhà thơ còn ở đây, còn sống với Vinh, còn yêu Vinh? Cùng nhà thơ, chúng ta có tất cả. Bởi sau cuốn sách có vẻ là tản văn này là gia phả văn hóa của cả một thành phố, là biên niên sử của một vùng quê xứ Nghệ với những địa danh… chợ Vinh, chùa Diệc, nhà thờ Cầu Rầm với tiếng chuông ngân nga qua mỗi viên gạch vụn của kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay vẫn văng vẳng thổn thức “Chuông nguyện hồn ai” (“For Whom the Bell tolls”, Hemingway). Với hàng trăm tên phố, tên đường và những cơ quan, trường học, xí nghiệp, khách sạn, công viên, sông Lam, Cửa Hội, Bến Thủy, rú Quyết, bờ đê Hưng Hòa… Mai này có ai viết khảo cứu, đi tìm Vinh từ xưa đến nay, nghiên cứu con người Vinh với phong tục tập quán và văn hóa thì lại phải tìm đến cuốn sách này.

Đọc “Vinh phố của tôi” lại liên tưởng đến “Có thành phố nào như thành phố này không?” (“Gạch vụn thành Vinh”) của Thạch Quỳ những năm khốc liệt trong kháng chiến chống Mỹ, nhớ đến Thám hoa Bùi Dương Lịch với “Nghệ An ký”, và nhà văn Mỹ Mark Twain khi viết “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” và “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, đâu có nghĩa là đã viết một cuốn Bách khoa toàn thư về nước Mỹ thế kỷ XVIII, mà về sau các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trang phục, tôn giáo, đời sống, ngôn ngữ, lễ hội, trò chơi dân gian… trong đó.

Nhưng “Vinh phố của tôi” đặc sắc hơn cả là với bất cứ cái gì, bất cứ ở đâu, thời gian nào của Vinh cũng được nhà thơ viết với cảm xúc, đậm đà tình cảm với sự tinh tế và thấm đẫm chất thơ của một ngòi bút nữ tràn ngập tình cảm yêu thương.

Nếu có chút lăn tăn ở tập thơ này là ở cái nhan đề sách (title). Sao chị không để là “Vinh của tôi”. Sông Lam, đê bao, đồng bãi chăn trâu với những cánh đồng cói dệt chiếu, cầu Bến Thủy… có phải là phố (streets) đâu. Mà ngay thành phố Vinh với hồ Goong, hồ Cửa Nam, Ga Vinh, công viên Nguyễn Tất Thành, chùa Sư Nữ, chùa Diệc… Đại lộ Lê-nin, đường Lê Lợi… cũng đâu có phải là phố. Khi tôi nói ra thắc mắc này, Thùy Vinh cười trừ: “Thì em là nhà thơ mà anh, tư duy nhà thơ không phải lúc nào cũng lô-gic và duy lý”.

Tác giả: Lê Đình Cúc

Nguồn tin: tapchisonglam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP