Bị cáo Nguyễn Thị Thảo. Ảnh: Nguyên Hưng/Báo Nghệ An |
Theo hồ sơ vụ án năm 1994, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hùng Thảo được thành lập, do ông Nguyễn Phi Hùng (SN 1956, trú thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, Nghệ An – chồng Thảo) làm chủ. Dù không phải là chủ doanh nghiệp cũng không có chức năng huy động vốn nhưng Thảo đã phát hành phiếu gửi tiền, sử dụng con dấu của DNTN Hùng Thảo đóng lên phiếu gửi tiền làm cho người dân lầm tưởng, gửi tiền cho mình.
Sau khi nhận một số lượng tiền lớn của người dân nhưng không có khả năng trả nợ, Thảo chỉ đạo kế toán DNTN Hùng Thảo soạn thảo quyết định giải thể doanh nghiệp, thông báo giải thể với lý do làm ăn thua lỗ, không có khả năng chi trả cho nhân viên, bạn hàng, cho các chi phí phát sinh... Tiếp đó, Thảo cho gửi thủ tục giải thể doanh nghiệp đến Chi cục Thuế huyện Con Cuông nhưng không thông báo và niêm yết quyết định, thông báo giải thể doanh nghiệp tại chính quyền địa phương, trụ sở doanh nghiệp theo quy định và cũng không thông báo cho những người dân đã gửi tiền. Điều đáng nói là dù đã có quyết định, thông báo giải thể doanh nghiệp nhưng từ ngày 23/10/2015, Thảo vẫn tiếp tục huy động vốn, nhận tiền gửi của người dân.
Đến khi Thảo bị bắt trong một vụ đánh bạc, bị tuyên phạt 7 tháng tù (cho hưởng án treo) vào tháng 5/2016, người dân mới biết DNTN Hùng Thảo đã giải thể, mất khả năng trả nợ nên đồng loạt tìm đến đòi trả tiền nhưng không thành, đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Ngày 23/12/2016, Thảo bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan điều tra làm rõ, chỉ trong vòng 7 tháng, Thảo đã lừa đảo 383 người dân, chiếm đoạt 24,8 tỷ đồng. Trong phiên sơ thẩm, các bị hại đều cho rằng, cơ quan chức năng không truy tố ông Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Thị Huyền (con gái Thảo) và Nguyễn Cao Cường (con trai Thảo) là bỏ lọt tội phạm.
Các bị hại đều cho rằng ông Nguyễn Phi Hùng là người đại diện hợp pháp trước pháp luật của doanh nghiệp nhưng thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, để vợ sử dụng con dấu của doanh nghiệp phục vụ cho việc đóng dấu vào phiếu gửi tiền. Những lúc Thảo đi vắng, ông Hùng cũng là người trực tiếp nhận tiền gửi của họ, có một số phiếu gửi tiền có chữ ký của ông Hùng nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án để xét xử. Theo các nạn nhân, ông Hùng cần phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường dân sự trong vụ án.
Con gái Thảo là Nguyễn Thị Huyền, người đã ký tên thay ông Nguyễn Phi Hùng vào quyết định và thông báo giải thể doanh nghiệp. Các nạn nhân cho rằng, đây là hành vi tiếp tay cho hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Thảo. Đối với Nguyễn Cao Cường là người trực tiếp ký nhận tiền 1,1 tỷ đồng cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án mà chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự là hoàn trả số tiền trên cho người gửi. Trong đơn phản ánh, các bị hại cũng đề nghị cơ quan điều ra kê biên những tài sản khác của bị cáo để trả lại tài sản cho dân. Được biết, hiện các bị hại đã làm đơn kháng cáo gửi tòa án cấp cao đề nghị xem xét lại vụ án trên.
Tác giả: Ngô Toàn
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam