Trong khi Thanh tra tỉnh Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cũng đã có những văn bản hướng dẫn rõ ràng, nhưng thay vì thực hiện những nội dung trên, UBND huyện Nam Đàn lại bất ngờ có văn bản chuyển vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đàn để xem xét giải quyết.
Mới đây nhất, ông Nguyễn Tân Phúc (trú tại khối Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) người suốt cả thập kỷ đội đơn đi đòi đất đã bất ngờ nhận được một văn bản của UBND huyện Nam Đàn liên quan đến quá trình giải quyết vụ việc.
Điều kỳ lạ là văn bản này không chuyển qua đường bưu điện mà được một cán bộ công tác trong huyện “đưa tay” đến cho ông Nguyễn Tân Phúc.
UBND huyện Nam Đàn bất ngờ chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đàn để truy cứu các cá nhân liên quan đến một quyết định cách đây hơn 30 năm? |
Khi mở ra xem ông lại càng bất ngờ hơn trước nội dung trong văn bản. Suốt một thập kỷ qua, với hàng chục lần giải quyết vụ việc, giờ đây UBND huyện Nam Đàn lại chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đàn để xem xét giải quyết vì “có dấu hiệu tội phạm”.
Cụ thể, trong văn bản số 1146/UBND chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra nêu: Qua thẩm tra xác minh UBND huyện Nam Đàn nhận thấy Quyết định không số năm 1989 về việc giao đất trong khu dân cư cho nhân dân làm nhà ở là trái pháp luật.
Căn cứ các quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn quyết định chuyển hồ sơ về hành vi cố ý sử dụng con dấu sai, giao đất trái thẩm quyền, vượt hạn mức… sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đàn để điều tra làm rõ.
Ông Nguyễn Tân Phúc bức xúc: “Trong văn bản này UBND huyện Nam Đàn còn căn cứ vào khoản 5, điều 6 Luật khiếu nại, như vậy chính quyền địa phương cho rằng tôi tố cáo sai.
Thời điểm đó tôi kê khai diện tích đất gia đình khai hoang, sản xuất theo thông báo của chính quyền địa phương và được UBND huyện Nam Đàn cấp đất.
Quyết định không số năm 1989 cũng được lưu trữ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường trong suốt nhiều năm qua.
Đất là do chính quyền cấp cho tôi, sai đúng ở đâu thời điểm đó tôi làm sao hiểu biết hết được mà so sánh từng câu chữ, văn bản, hạn mức”.
Hiện trạng phần đất còn lại của gia đình ông Nguyễn Tân Phúc. Nhiều dự án trải qua nó chỉ còn một vùng sâu, trũng so với mặt bằng chung. |
Liên quan đến quyết định không số năm 1989, Sở Tài nguyên và môi trường Nghệ An đã có công 3733/STNMT-QLĐĐ hướng dẫn UBND huyện Nam Đàn trong quá trình giải quyết vụ việc.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đề ra 2 phương án để xử lý vụ việc, trong đó tập trung vào tính pháp lý quyết định 30/10/1989 của UBND huyện Nam Đàn về việc giao đất cho gia đình ông Nguyễn Tân Phúc.
Trường hợp thứ nhất, quyết định của UBND huyện Nam Đàn ngày 30/10/1989 về giao đất khu dân cư cho nhân dân làm nhà ở đã được cấp đúng quy định của pháp luật, UBND huyện Nam Đàn cần căn cứ quyết định này để xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Tân Phúc theo Điều 11, điều 18 quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, đất vườn, ao gắn liền với đất.
Trường hợp thứ 2, quyết định của UBND huyện Nam Đàn ngày 30/10/1989 được xác định là cấp trái pháp luật.
Trong trường hợp này thì việc sử dụng đất của ông Nguyễn Tân Phúc được xem là không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, UBND huyện Nam Đàn căn cứ điều 101 Luật đất đai, điều 20 và 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều về luật đất đai.
Văn bản hướng dẫn của Thanh tra tỉnh Nghệ An cũng chỉ rõ việc thu hồi quyết định không số năm 1989 là không có cơ sở. |
Điều 6,7,9 Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất để xác định nguồn gốc sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính (nếu có) và công nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp của ông Nguyễn Tân Phúc đúng với quy định của pháp luật.
Đặc biệt, mới đây nhất sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại do UBND huyện Nam Đàn cung cấp, ý kiến của Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh Nghệ An có ý kiến nêu rõ: “Tại dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Nam Đàn đối với ông Nguyễn Tân Phúc có viện dẫn các căn cứ để thu hồi, hủy bỏ quyết định (không số) ngày 30/10/1989 là không có cơ sở.
Các căn cứ đưa ra chỉ là dấu hiệu thể hiện tính hợp pháp, hợp lý của quyết định không số nêu trên, bao gồm cả việc suy đoán, suy diễn… Do đó, việc khiếu nại của ông Nguyễn Tân Phúc là có cơ sở”.
Ông Nguyễn Tân Phúc chia sẻ: “Nếu quyết định cấp đất cho gia đình tôi có sai về thủ tục pháp lý, thì đó là cái sai của chính quyền, sao lại đổ cho dân.
Kéo dài thời gian giải quyết, tiếp tục làm khổ gia đình chúng tôi. Tôi đề nghị UBND huyện Nam Đàn thực hiện theo các công văn hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An và Thanh tra tỉnh Nghệ An”.
Trước đó, năm 1988 ông Nguyễn Tân Phúc ra vùng Đồng Hồ, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An để khai hoang, xây dựng lò sản xuất gạch sản xuất. Sau đó theo thông báo của chính quyền địa phương, ông Phúc thực hiện việc kê khai đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Tân Phúc giờ cũng không thể ở được, ông Phải chuyển ra ngoài thuê suốt nhiều năm qua. |
Đến tháng 10/1989, gia đình ông Phúc được UBND huyện Nam Đàn cấp Quyết định giao đất cho dân làm nhà ở. Nội dung quyết định này nêu rõ, cho phép ông Nguyễn Tân Phúc sử dụng 7.750 m2 đất hoang tại khu vực phía đông sân vận động. Trong đó diện tích đất ở là 200 m2, đất vườn liền kề là 7.550 m2. Loại đất được xác định ở đây cũng là là đất hoang.
Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Nam Đàn đã ban hành nhiều Quyết định liên quan đến việc thu hồi hàng ngàn m2 đất của gia đình ông Phúc mà “quên” đi quyền lợi về đất của gia đình ông. Buộc ôngNguyễn Tân Phúc phải “đội đơn” khiếu nại, khiếu kiện suốt cả thập kỷ qua.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Pháp luật Plus