Bị cáo Lê Thị Dung, cựu Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Nguyên. |
Cần xem quy chế chi tiêu nội bộ
Mới đây, TAND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung (cựu Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Nguyên) 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, từ 1/10/2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư Chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Nguyên, đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo Dung không nhận tội vì cho rằng, quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nghiêm Quang Vinh (Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.
Trong khi đó, Khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự quy định người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
Từ đó, luật sư Vinh cho rằng tòa cấp sơ thẩm tuyên bị cáo theo Khoản 2 là mức thấp của khung.
Tuy nhiên, luật sư Vinh cũng đặt câu hỏi về việc cơ quan xét xử cần xem quy chế nội bộ gửi cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi có gì sai không? Tại sao Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên lại duyệt chi?
“Bởi, chi được tiền này thì phải có đồng phạm, lập hồ sơ và có người duyệt chi. Nếu thế, vụ án này còn có thêm các đồng phạm chứ một mình bị cáo Dung nhận tiền thì không đúng, không thể một mình chi tiền được. Tòa xử như vậy là không đúng và bỏ lọt tội phạm”, luật sư Vinh nêu quan điểm.
Từ quan điểm trên, luật sư Vinh cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật cần xem xét nghiêm túc, minh bạch vụ việc. “Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý hành chính và trả lại tiền cho ngân sách Nhà nước nếu quy chế nội bộ đó sai”, luật sư Vinh nói.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. |
Vấn đề là có tội hay không có tội
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng, trong vụ án hình sự này, cơ quan xét xử cần phải làm rõ cả vấn đề tội danh và vấn đề hình phạt. Cơ quan tố tụng cũng cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để sự việc xảy ra nhiều năm mà không phát hiện, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý gì.
Luật sư Cường đánh giá đây là vụ án phức tạp, bị cáo kêu oan nên tòa án cấp phúc thẩm sẽ phải thận trọng trong việc xem xét, đánh giá toàn diện các tình tiết của vụ án. Từ đó, xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cũng cho rằng, theo nội dung vụ án, hành vi vi phạm của bị cáo kéo dài nhiều năm. Trong quá trình này, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi bổ sung về cơ chế quản lý, quy chế tài chính và các vấn đề liên quan, đặc biệt là lĩnh vực GDTX.
“Bởi vậy, để giải quyết khách quan, toàn diện, đúng pháp luật vụ án này thì tòa cấp phúc thẩm cần kiểm tra, rà soát tất cả các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trung tâm GDTX.
Trong trường hợp này, tại thời điểm sự việc xảy ra mà không có văn bản pháp luật quy định cụ thể là quy chế chi tiêu nội bộ phải có sự phê duyệt của Sở GD&ĐT thì mới được tổ chức thực hiện thì hành vi của bị cáo không phạm tội. Đây là vấn đề quan trọng quyết định đến việc bị cáo có oan hay không”, luật sư Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, trường hợp nếu bị cáo có tội thì việc kết án 5 năm tù là không sai. Vì tại Điều 54 Bộ luật Hình sự quy định trường hợp người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự trở lên thì có thể chuyển sang khung hình phạt khác liền kề nhẹ hơn.
Bởi vậy, trong trường hợp bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội phải được xác định là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bản thân có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình làm việc thì có thể được chuyển sang khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
“Trong vụ án này, tòa cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo Dung không thành khẩn khai báo, không nhận tội nên không được áp dụng Điều 54 để chuyển khung hình phạt. Tuy nhiên, khi bị cáo đã kêu oan thì mức hình phạt 1 năm hay 5 năm là như nhau. Nhiều bị cáo kêu oan thì dù toà có tuyên 1 ngày tù họ cũng không chấp nhận. Bởi vậy, bị cáo không kháng cáo về hình phạt mà chỉ kháng cáo kêu oan và cho rằng việc kết tội như vậy là oan sai”, luật sư Cường cho biết.
Tác giả: Nguyễn Tuấn Khang
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn