Tin trong tỉnh

Vụ đặt tên xã Đôi Hậu sau sáp nhập: Vì sao chọn tên mới Quỳnh An?

Địa phương ở Nghệ An lý giải việc đặt tên xã Quỳnh An khi sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu mang nhiều ý nghĩa, hài hòa.

Cổng làng vào xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Không chỉ tìm lời giải cho bài toán sắp xếp cán bộ, trụ sở mà việc đi tìm tên xã mới sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cũng khiến lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu và hai xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu "đau đầu".

Không ghép tên cơ học hai xã sáp nhập

Mới đây, sau khi tỉnh Nghệ An đề nghị làm lại quy trình, Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Quỳnh Lưu đã làm việc với Thường vụ Đảng ủy hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, dự kiến chọn tên xã mới là Quỳnh An thay thế cho tên "Đôi Hậu".

Theo yêu cầu, việc đặt tên đơn vị mới hướng thứ tự ưu tiên thứ nhất là sử dụng một trong các tên gọi cũ của các xã, thị trấn trước khi sáp nhập.

Thứ hai, sử dụng tên gọi chung trong lịch sử của các xã, thị trấn. Thứ ba, sử dụng tên gọi mới có chữ "Quỳnh", đảm bảo ngắn gọn, có ý nghĩa; không thực hiện ghép tên cơ học (tối nghĩa, hoặc dễ bị suy luận mang ý nghĩa xấu) giữa các đơn vị.

Ông Trần Đức Hữu - chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu - cho biết xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi chưa từng sáp nhập, không có tên chung trước đây.

Trong khi đó, xã Quỳnh Đôi có làng Quỳnh Đôi, xưa thuộc tổng Phú Hậu. Có ý kiến dùng tên Phú Hậu khi sáp nhập nhưng không được phía Quỳnh Đôi đồng ý.

Do phương án ghép tên hay lấy tên có yếu tố lịch sử không đi đến thống nhất, tổ công tác của UBND huyện và đại diện chính quyền hai xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu quyết định chọn tên mới sau sáp nhập.

Tên mới đảm bảo phải có chữ "Quỳnh", vừa là một phần tên của hai xã, vừa được tách ra từ tên huyện Quỳnh Lưu.

Có ba tên được đưa ra để hai bên bàn bạc, lựa chọn gồm: Quỳnh Phú, Quỳnh An và Quỳnh Hương.

Theo lý giải, Quỳnh Phú có ý nghĩa giàu có, trù phú, với mong muốn sau khi sáp nhập, nhân dân hai xã đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu có, to đẹp. Tên xã Quỳnh Hương cũng có nghĩa là đẹp.

Còn xã Quỳnh An, có ý nghĩa là bình an, an yên với mong muốn người dân hai xã đoàn kết, xây dựng quê hương bình yên, phát triển.

"Tên gọi Quỳnh An còn đặc biệt ở chỗ là ghép từ chữ Quỳnh của huyện Quỳnh Lưu và chữ An từ tên tỉnh Nghệ An", ông Hữu nói.

Một góc xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An nhìn từ trên cao - Ảnh: DOÃN HÒA

Sẽ lấy ý kiến cử tri về tên xã mới

Phía xã Quỳnh Hậu đồng tình với phương án này và đề nghị UBND huyện báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh Nghệ An về tên gọi mới để đưa vào quy trình lấy ý kiến, vận động người dân chọn tên gọi Quỳnh An sau sáp nhập.

Theo quy mô dân số, xã Quỳnh Đôi hiện có khoảng 5.600 người, còn xã Quỳnh Hậu có 8.600 người. Vì vậy, nếu lấy ý kiến cử tri hai xã về tên xã mới, xã Quỳnh Hậu có nhiều ưu thế hơn.

Ông Hồ Sỹ Kiện - 63 tuổi, ngụ xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu - cho hay người dân trong xã cũng chỉ biết đến tên xã được đổi thành Đôi Hậu khi có thông tin trên mạng xã hội. Phần lớn người dân đều thấy cái tên này không hay, không có điểm nhấn, khó để lại ấn tượng.

"Chúng tôi muốn chính quyền tìm một cái tên cho ý nghĩa, văn minh khi đặt tên mới lúc sáp nhập hai xã", ông Kiện nói.

Về quy trình tiếp theo, ông Nguyễn Xuân Dinh - phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - cho biết:

"Việc xác định tên gọi các đơn vị hành chính sau sáp nhập tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của cử tri và nhân dân, dự kiến tổ chức vào ngày 3 đến ngày 5-5. Nếu còn có ý kiến trái chiều thì tiếp tục xem xét và làm lại quy trình".

Sau ý kiến của cử tri, HĐND xã sẽ tiến hành họp, đến HĐND huyện và HĐND tỉnh họp để thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính, khi đó tên gọi mới được "chốt" chính thức để trình cấp trên xem xét, quyết định".

Tác giả: Doãn Hòa

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP