Chưa thể nói rõ trách nhiệm thuộc về ai?
Mấy ngày qua, sau sự cố điện giật trước cổng trường THCS An Lục Long (huyện Châu Thành, Long An) khiến 6 học sinh thương vong, nhiều người cho rằng ngành điện, trường học và địa phương phải chịu trách nhiệm về sự việc. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải khởi tố vụ án để làm rõ vụ việc. Nhiều người cũng thắc mắc tại sao đứt đường dây điện mà hệ thống ngắt mạch điện không hoạt động?
Chiều 16/10, trao đổi với PV Dân trí, ông Đoàn Bảo An - Phó Chủ tịch xã An Lục Long, cho biết: "Đến thời điểm hiện tại chúng tôi chưa thể nói rõ sự việc này trách nhiệm thuộc về ai. Hiện nay, phía cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh thông tin và điều tra rõ sự việc. Khi cơ quan điều tra đưa ra kết luận chúng tôi mới có hướng xử lý tiếp".
Phía ngành điện Châu Thành thì cho rằng sét đánh đứt dây điện và rơi vào người các học sinh nên không kịp xử lý. Đại diện trường THCS An Lục Long thì cho rằng đây là sự cố ngoài ý muốn và xảy ra đúng thời điểm các em đi học về nên nhà trường không kịp cảnh báo.
Hiện trường vụ điện giật đau lòng khiến 6 em học sinh thương vong. |
Để tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề trên, chúng tôi đã có buổi trao đổi với chuyên gia, kỹ sư Điện - điện tử Trương Hiếu. Ông Hiếu cho rằng đây là vấn đề khá phức tạp và cần phải tìm hiểu đa chiều. Cụ thể, cần phải tìm hiểu vì sao rơ-le không tự ngắt dẫn đến tai nạn thương tâm như vậy.
"Thông thường tất cả các hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống trung thế hay cao thế đều có hệ thống bảo vệ rơ-le để phát hiện các dạng sự cố như đứt dây, quá điện áp do sét đánh trực tiếp vào đường dây điện,... và tự động điều khiển máy cắt hay thiết bị đóng cắt khác mở ra để cách ly phần tử bị sự cố (trường hợp này là đường dây) khỏi nguồn điện trong trường hợp sự cố vẫn duy trì", ông Hiếu chia sẻ.
"Lý thuyết là vậy nhưng trong thực tế thì không phải lúc nào hệ thống bảo vệ cũng có thể phát hiện được, hoặc phát hiện đúng chính xác sự cố loại gì. Điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố từ việc thiết kế như lựa chọn trang thiết bị cho hệ thống rơ-le bảo vệ (loại rơ-le nào, tính năng ra sao, công nghệ Mỹ hay Châu Âu, Châu Á,...), tính toán giá trị cài đặt có chính xác và phù hợp không,... cho đến khâu vận hành phải thường xuyên kiểm tra tính hoạt động chính xác của hệ thống bảo vệ, cập nhập cài đặt giá trị tác động của rơ-le,...", ông Hiếu nói thêm.
Xác định rõ thời gian dây điện rơi
Theo ông Hiếu, để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của ai trong sự việc này cần phải xem xét đến hai trường hợp.
Ông Hiếu phân tích: "Trường hợp thứ 1, khi các em học sinh đang đi ra ngoài cổng trường mà dây điện rớt xuống rơi vào người. Lúc này các em sẽ bị giật điện, hoặc chạm vào xe đạp, hoặc khoảng cách gần đều xảy ra phóng điện hồ quang trực tiếp vào người gây cháy bỏng. Trường hợp này dây điện đang rơi, nếu chưa chạm đất thì có thể hệ thống bảo vệ chưa tác động cắt nguồn điện, mặc dù vẫn hoạt động tốt. Nguyên nhân là do các rơ-le bảo vệ hoạt động theo nguyên tắc quá dòng, khi xảy ra chạm chập các pha với nhau hoặc chạm đất, còn dây điện đang rơi nghĩa là bị đứt dây nên dòng điện bằng không, rơ-le sẽ không tác động.
Trường hợp thứ 2 là khi sợi dây điện đã rơi xuống đất trước rồi và khi các em học sinh đi ra thì bị điện giật. Trường hợp này hệ thống bảo vệ rơ-le không phát hiện được sự cố nên không tự động điều khiển cắt nguồn điện.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trường hợp này. Có thể do đường dây dẫn điện quá xa nên dòng chạm đất bé nên chưa đạt ngưỡng rơ-le tác động. Hoặc chỉnh định giá trị rơ-le chưa phù hợp, độ nhạy thấp, hoặc rơ-le không hoạt động,... Cần thu thập minh chứng cụ thể số liệu của phát tuyến từ trạm nguồn 110kV Tầm Vu đi xuống huyện Châu Thành để chuyên gia phân tích tìm nguyên nhân mới xác định chính xác được".
Các chuyên gia cho rằng cần xác định rõ thời điểm dây điện rơi để làm rõ vấn đề. |
Cũng theo ông Hiếu, thường khi gặp sự cố thì hệ thống bảo vệ cắt nguồn điện tức thời, nên trong trường hợp này cần xác định thời điểm đứt dây điện cho đến thời điểm các em học sinh đi ra cổng bị điện giật là bao lâu?
"Nếu sự cố đứt dây điện đã lâu mà Điện lực Châu Thành không phát hiện xử lý sự cố kịp thời thì có một phần lỗi của người vận hành giám sát. Có thể trường hợp này nhân viên điện lực địa phương không phát hiện kịp thời do địa bàn quá rộng, nhưng nhân viên vận hành trạm 110kV Tầm Vu nếu giám sát chặt chẽ vẫn có thể phát hiện sự cố đứt dây và ra lệnh cắt điện tức thời", ông Hiếu nhận định.
Để ngăn chặn các trường hợp tương tự, ông Hiếu cũng cho rằng sự cố này nặng về kỹ thuật nên cần xem xét lại vấn đề kỹ thuật của hệ thống bảo vệ vận hành lưới điện phân phối 2. Cụ thể là hệ thống đo lường và bảo vệ rơ-le với thiết bị bảo vệ đóng cắt trên lưới đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác và cô lập sự cố ngay tức thì. Hoàn thiện hệ thống SCADA để thu thập đầy đủ, cần thiết thông số của lưới điện để phục vụ giám sát và điều khiển. Đồng thời chú trọng công tác vận hành phải thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra sự hoạt động đầy đủ và chính xác của hệ thống bảo vệ lưới điện.
Tác giả: Xuân Hinh
Nguồn tin: Báo Dân trí