Nhà cháu M, nơi cơ quan điều tra coi là hiện trường vụ án. |
Đáng nói, hiện cả bị can lẫn gia đình bị hại đều không đồng tình với việc vụ án bị kéo dài như trên. Trong khi gia đình bị hại đề nghị sớm xử lý nghiêm minh vụ việc thì vợ chồng bị can Thắng lại có đơn kêu oan và cho rằng căn cứ để trưng cầu giám định tâm thần do “bị can thay đổi lời khai” là không hợp lý, không đúng quy định…; Trường hợp có Kết luận “tâm thần” thì rất có thể bị can sẽ mất cơ hội kêu oan và khó đòi bồi thường oan sai trong vụ án này.
Bị can “thay đổi lời khai” là có dấu hiệu tâm thần?
Trao đổi với phóng viên về vụ án trên, ông Nguyễn Ngọc Bính, Viện trưởng Viện KSND huyện Kỳ Anh, xác nhận vụ án Nguyễn Xuân Thắng “hiếp dâm” đang bị tạm đình chỉ do phải chờ thực hiện giám định tâm thần với bị can. Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh đã từng ra Kết luận điều tra (KLĐT), chuyển hồ sơ đề nghị VKSND huyện Kỳ Anh ra Cáo trạng truy tố.
Theo KLĐT này thì sáng 10/9/2018, trên đường đi bốc vôi, Thắng có đi qua nhà cháu M (16 tuổi, bị bệnh đao bẩm sinh) và cho cháu 2 tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng. Khi đưa tay nhận tiền, cháu M đã bị Thắng ôm nên sợ chạy vào nhà. Thắng đuổi theo, tụt quần cháu M rồi chà sát dương vật vào đùi cháu M… Khi thấy bà T. (mẹ cháu M) về, Thắng liền chạy ra. Bà T. thấy quần cháu M bị tụt và có tinh dịch ở bẹn nên đã tắm, thay quần áo và cho con uống thuốc tránh thai…
Tuy nhiên, ông Bính cũng cho hay, do thấy cần phải làm rõ một số nội dung trong KLĐT nêu trên nên VKS đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Sau đó, CQĐT đã có KLĐT bổ sung nhưng VKSND huyện Kỳ Anh thấy vẫn chưa đầy đủ nên tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2.
Trong thời gian điều tra bổ sung lần 2 này, CQĐT đã ra Quyết định trưng cầu giám định tâm thần với bị can. Đến tháng 9/2019, do hết thời hạn điều tra nên CQĐT đã ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Nguyễn Xuân Thắng để chờ kết quả giám định.
Thông tin về lý do trưng cầu giám định tâm thần với bị can Thắng, ông Nguyễn Ngọc Bính cho biết, CQĐT thấy Thắng thay đổi lời khai (lúc đầu nhận tội, sau đó chối tội) nên cho rằng có dấu hiệu tâm thần.
Khi được hỏi về việc, “bị can thay đổi lời khai có phải căn cứ để trưng cầu giám định tâm thần hay không? Nếu cứ có việc bị can thay đổi lời khai mà phải trưng cầu giám định tâm thần thì ở địa phương, đã có bao nhiêu vụ án phải trưng cầu như vậy?”, ông Bính cho hay, “việc ra Quyết định trưng cầu giám định là thẩm quyền của CQĐT, là do CQĐT muốn làm triệt để vụ án. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu phục hồi điều tra nhưng CQĐT vẫn chưa thực hiện và nêu ra nhiều lý do khác nhau”.
Bị can kêu oan
Trước diễn biến của vụ án như trên, một số luật sư cho hay, theo Điều 447 BLTTHS thì quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với bị can phải dựa trên căn cứ cho rằng bị can không có năng lực trách nhiệm hình sự. Việc bị can có lời khai thiếu thống nhất là điều hết sức bình thường, phổ biến và đây không thể là căn cứ để nghi ngờ bị can “không có năng lực trách nhiệm hình sự”. Nếu lấy lý do “bị can có lời khai không thống nhất” để giám định tâm thần thì có lẽ, hầu hết các vụ án đều phải thực hiện thủ tục này.
Trong khi đó, sau khi được tại ngoại thì bị can Thắng và vợ đã có nhiều đơn thư kêu oan, khẳng định không thực hiện hành vi hiếp dâm cháu M. Sáng 1/9/2018, ông Thắng đi làm (bốc vôi) qua nhà chị T thì thấy cháu M. vẫy tay như muốn nhờ giúp đỡ nên chạy vào. Khi thấy cháu M. không nói gì, ông Thắng quay ra thì gặp chị T đi vào. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, ông Thắng đã bị Công an huyện Kỳ Anh tạm giữ do cho rằng đã thực hiện hành vi hiếp dâm cháu M. Theo ông Thắng, tại CQĐT, ông đã bị đánh đập, ép phải nhận đã thực hiện hành vi hiếp dâm. Đến khi được gia đình mời luật sư bào chữa, tham gia lấy lời khai thì ông mới được khai đúng sự thật và phủ nhận lời khai thực hiện hành vi hiếp dâm trước đây.
Cũng theo bị can thì tuy CQĐT cáo buộc ông “xuất tinh” hoặc “cho cháu M. tiền”… nhưng điều này đều không có chứng cứ vì bản thân bà T. cho biết đã tắm cho con gái ngay trong sáng 1/9. Còn cháu M. thì câm điếc bẩm sinh, không có lời khai. Trong khi đó, việc nhận tội của ông tại CQĐT do bị ép cung và bản thân ông cũng không biết chữ nên không biết điều tra viên đã ghi lời khai ra sao.
Vợ chồng ông Thắng nghi ngờ rằng do không đủ chứng cứ cáo buộc ông về hành vi hiếp dâm nên CQĐT đưa ra lý do trưng cầu giám định tâm thần không đúng quy định, rồi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra để “treo” vụ án vô thời hạn, “né” trách nhiệm bồi thường oan sai trong vụ án này.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến vụ án.
Đối chiếu với quy định tại Thông tư 32/2019/TT-BYT của Bộ Y tế (ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần), một số luật sư cho hay, khi trưng cầu giám định, CQĐT phải gửi Cơ quan giám định hồ sơ giám định, trong đó có các tài liệu như: Bản báo cáo của gia đình đối tượng giám định về tiền sử, quá trình phát triển tâm thần, vận động, đặc điểm tính cách, tình hình bệnh tật, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của đối tượng….; Hồ sơ bệnh án của đối tượng giám định đã khám, điều trị từ trước đến nay tại các cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý các hồ sơ khám bệnh, điều trị bệnh tâm thần, thần kinh, điều trị về sọ não; Nhận xét của Trạm y tế về việc đối tượng giám định có được quản lý sức khỏe và điều trị bệnh tâm thần tại Trạm y tế hay không; Nhận xét của Trưởng/ Phó thôn về các biểu hiện hành vi bất thường (đặc biệt là sức khỏe tâm thần) của đối tượng… Bản nhận xét của 02 người hàng xóm hoặc bạn bè về các biểu hiện hành vi bất thường (đặc biệt là sức khỏe tâm thần) của đối tượng; Nhận xét của cơ sở giam giữ, người giam giữ cùng buồng đối tượng về quá trình sinh hoạt và những hoạt động hàng ngày của đối tượng giám định trong thời gian giam giữ… Như vậy, có thể hiểu, để ra Quyết định trưng cầu giám định tâm thần thì CQĐT cần dựa trên các căn cứ, tài liệu thể hiện dấu hiệu tâm thần của bị can do các cá nhân, đơn vị cung cấp như trên chứ không thể chỉ dựa vào việc thay đổi lời khai của bị can. Còn trường hợp CQĐT không cung cấp đầy đủ hồ sơ giám định thể hiện các dấu hiệu tâm thần của bị can như trên thì cơ quan giám định có quyền từ chối thực hiện giám định. |
Tác giả: K.Lâm
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam