Không chỉ các cơ quan có thẩm quyền phản ứng mà dư luận cũng “dậy sóng” với phán quyết của tòa. Không phải ngẫu nhiên mà từ các cơ quan có thẩm quyền đến người dân đều đồng loạt phản đối, bởi phán quyết của tòa có quá nhiều bất ổn khiến dư luận rất bức xúc...
Ngược chỉ đạo và phớt lờ dư luận
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, vụ Nguyễn Khắc Thủy bị các cơ quan tố tụng TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố, điều tra, truy tố về tội “Dâm ô trẻ em” được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, để khởi tố được vụ án này, các cơ quan tố tụng đã phải làm nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác minh, điều tra, mất rất nhiều thời gian.
Phía gia đình nạn nhân đã phải tốn rất nhiều công sức, kêu cứu nhiều nơi. Mọi việc dần sáng tỏ khi có ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, nhất là sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch nước, lãnh đạo Chính phủ, Viện KSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an.
Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương là xác minh, điều tra, xử lý nghiêm minh hành vi phạm tội của ông Nguyễn Khắc Thủy.
Từ những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo cấp cao, ông Nguyễn Khắc Thủy mới bị khởi tố. Vụ việc của ông Nguyễn Khắc Thủy xảy ra trong bối cảnh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói chung, tội dâm ô trẻ em nói riêng ở nước ta đang có những diễn biến phức tạp. Việc đưa ra ánh sáng những kẻ phạm tội là vô cùng khó khăn, phức tạp bởi sự tinh vi, xảo quyệt của loại tội phạm này.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hàng năm có hàng ngàn vụ việc xâm hại tình dục, nhưng chỉ một phần nhỏ bị khởi tố, điều tra do việc thu thập chứng cứ đối với loại tội phạm này có những đặc thù riêng, không giống các loại tội phạm khác. Do vậy, vụ việc Nguyễn Khắc Thủy xâm hại tình dục đối với nhiều cháu nhỏ ở Vũng Tàu càng làm cho dư luận hết sức quan tâm.
Mặt khác, khi bị tố giác, Nguyễn Khắc Thủy còn có hành vi đe dọa phía nạn nhân. Dù ông Thủy không thừa nhận, nhưng trong các phiên tòa, đại diện Viện KSND các cấp đã chứng minh, việc ông Thủy đe dọa phía nạn nhân là có thật. Do vậy, bản án phúc thẩm tuyên ông Thủy được hưởng án treo là không nghiêm khắc, đi ngược lại sự chỉ đạo của cấp trên, phớt lờ dư luận.
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tại phiên tòa. |
Áp dụng sai Nghị quyết Hội đồng thẩm phán!
Theo bản án sơ thẩm ngày 17-11-2017 của TAND TP Vũng Tàu, ông Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô đối với hai trẻ em nên tuyên phạt mức án 3 năm tù.
Ngoài hai trường hợp này, cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu còn tiếp tục điều tra, xác minh một số trường hợp khác tố giác ông Thủy dâm ô nhưng hết thời hạn điều tra nên tách ra để xử lý sau. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Thủy kháng cáo.
Ngày 11-5, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phúc thẩm, xác định chỉ đủ căn cứ buộc tội ông Thủy có hành vi dâm ô với một trẻ em nên đã tuyên phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; một trường hợp còn lại không đủ căn cứ nên không quy kết ông Thủy có hành vi dâm ô. Bản án này đã bị dư luận phản đối dữ dội, nhất là lý do giảm án và cho hưởng án treo.
Luật sư Nguyễn Văn Đức cho rằng, việc TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho ông Thủy hưởng án treo là không đúng với tinh thần của Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6-11-2013. Cụ thể, tại điểm b, khoản 3 điều 2, Nghị quyết 01 có quy định: “Không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án”.
Luật sư Nguyễn Văn Đức cho rằng, với quy định này, ông Thủy không đủ điều kiện để áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo bởi hai lý do: Thứ nhất, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là loại tội phạm mà dư luận đặc biệt lên án; thứ hai, hành vi của ông Thủy bị người có trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương đến dư luận xã hội kêu gọi xử nghiêm.
Do vậy, vụ việc của ông Thủy thuộc trường hợp tội phạm mà dư luận xã hội lên án nên không được cho hưởng án treo. “TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho ông Thủy hưởng án treo rõ ràng là trái tinh thần nghị quyết 01/2013”, luật sư Nguyễn Văn Đức khẳng định.
Luật sư Nguyễn Văn Đức còn cho rằng, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng tình tiết giảm nhẹ để nhằm mục đích cho ông Thủy hưởng án treo còn vi phạm điểm d, khoản 3, điều 2, Nghị quyết 01, đó là: Không được tùy tiện giảm mức hình phạt tù không có căn cứ để đủ điều kiện về mức hình phạt tù quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự (năm 1999) và cho hưởng án treo.
Cụ thể, các tình tiết giảm nhẹ mà TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng đối với bị cáo Thủy: Người phạm tội là người đã đủ 70 tuổi trở lên, có thành tích trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. Đây là hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ 1-1-2018).
Các tình tiết này không thuộc là tình tiết giảm nhẹ mới so với bản án sơ thẩm. Bởi lẽ, Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đã quy định hai tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm m, điểm s, khoản 1 điều 46.
Như vậy, cấp sơ thẩm đã áp dụng các quy định pháp luật về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nên các tình tiết này không phải là tình tiết mới ở cấp phúc thẩm. Vì vậy, cấp phúc thẩm không thể tiếp tục áp dụng các tình tiết này dùng làm căn cứ để giảm án.
TAND cấp phúc thẩm áp dụng tình tiết này để vừa giảm án, vừa chuyển hình phạt từ 36 tháng tù xuống còn 18 tháng và cho hưởng án treo trong khi không có tình tiết mới là đi ngược lại quy định tại điểm d, khoản 3, điều 2, Nghị quyết 01.
“Do vậy, TAND tối cao, Viện KSND tối cao cùng có ý kiến xem xét lại bản án phúc thẩm theo hướng kháng nghị giám đốc thẩm là việc làm kịp thời và cần thiết, đảm bảo sự nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật”, luật sư Nguyễn Văn Đức tán đồng.
Tác giả: H.Hương
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân