Trong nước

Vụ Phó Chánh văn phòng sở hành hung hai học sinh lớp 6: Không cho PV ghi âm, chụp hình

Vị Phó Chánh văn phòng sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thừa Thiên - Huế từ chối làm việc với PV nếu trong buổi làm việc PV ghi âm, ghi hình.

Liên quan đến vụ việc "Phó Chánh văn phòng sở hành hung hai học sinh lớp 6", sau một thời gian dài coi thường chỉ thị của lãnh đạo, ông Trần Xuân Triều hiện đang giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bất ngờ đồng ý gặp PV để làm rõ vụ việc tại cơ quan của mình.

Sở NN&PTNT nơi ông Trần Xuân Triều đang công tác.

Ngay sau khi PV được ông Triều mời vào phòng để làm việc, ông này lập tức đề nghị PV đưa ra tất cả các câu hỏi một lượt rồi mới trả lời. Tuy nhiên, sau khi PV nêu đầy đủ các câu hỏi thì ông Triều lại tỏ thái độ bất hợp tác khi yêu cầu PV không được ghi âm, chụp hình nếu không sẽ không tiếp.

Cụ thể ông Triều cho rằng, đối với trường hợp của ông, đây là việc riêng, không liên quan đến cơ quan, không liên quan đến công vụ cho nên ông yêu cầu PV khi làm việc mà những thông tin liên quan đến ông thì PV không được ghi âm, chụp hình.

Trước yêu cầu vô lý của vị Phó Chánh văn phòng sở, PV liền giải thích cho ông này biết về quyền tác nghiệp, thu thập thông tin của PV được quy định trong luật Báo chí, thế nhưng, ông Triều vẫn mặc kệ và tỏ ra mình là một người kém hiểu biết về luật, "tôi yêu cầu như vậy, nếu như anh không đồng ý với yêu cầu đó thì chúng ta dừng buổi làm việc tại đây", ông Triều nói. Với thái độ trên của ông Triều, PV đã buộc phải dừng buổi làm việc rồi ra về.

Hiện trường xảy ra vụ việc.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Văn phòng luật sư Dương Thị Mỹ tại TP.Huế cho hay, trong những năm qua, báo chí đã và đang có những đóng góp tích cực trong công cuộc phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng...

Theo luật sư Minh, về vấn đề trên, không thể cấm nhà báo tác nhiệp ghi âm, ghi hình tại trụ sở cơ quan Nhà nước. Theo Điều 13 của luật Báo chí cũng nói rất rõ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân trên báo chí, đồng thời cũng nói rõ Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để cho công dân thực hiện quyền đó và tạo điều kiện để báo chí phát huy vai trò của mình. Vai trò của báo chí đã được quy định rất rõ trong luật Báo chí, giám sát phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ thuần phong mỹ tục… Để báo chí làm được điều đó thì cần phải có phương pháp nghiệp vụ để khai thác thông tin. Đó là đều cho phép quay phim, chụp ảnh.

"Luật Báo chí cũng quy định rõ được phép hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Nhà báo có nhiều biện pháp để hoạt động nghiệp vụ, trong đó có việc bí mật tiếp cận nguồn tin để thu thập thông tin, theo cách như ông Phó Chánh văn phòng sở đưa ra về việc cấm không cho công dân, nhà báo quay phim, ghi hình hay thông báo bằng văn bản trước thì nhà báo làm sao thực hiện nghiệp vụ thu thập được thông tin chính xác và kịp thời", luật sư Minh nhấn mạnh.

Cũng theo vị luật sư này, căn cứ vào các quy định hiện hành, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013, luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định 64/2014/ND - CP hướng dẫn luật tiếp công dân... yêu cầu của ông Phó Chánh văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế là không phù hợp, trái với quy định của Hiến Pháp, của luật, ảnh hưởng đến quyền tác nghiệp của phóng viên, nhà báo.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Công Định

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP