Trung Quốc khẳng định các trại tại Tân Cương, như trong ảnh, là trung tâm giáo dục hướng nghiệp (Ảnh: Reuters) |
Hãng tin CNN đưa tin, các nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận thông tin trên. Khi được hỏi rằng liệu có nhiều người đang bị giam giữ hay không, một trong số các nguồn tin nói: “Không, một số thôi”.
Tại một cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Mỹ ngày 28/3, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Sam Brownback, cho hay ông có một thông tin mới, chưa được kiểm chứng về trường hợp một người đàn ông ở California, có cha là một cư dân Mỹ hợp pháp bị mất liên lạc kể từ khi trở lại Tân Cương.
“Ông ấy có giấy tờ hợp pháp tại đây, đã trở lại Tân Cương sau khi sống với con trai tại California. Và ông ấy mất liên lạc kể từ đó. Và anh này rất lo ngại về việc cha mình được đối xử ra sao. Ông ấy đã 75 tuổi, là một trí thức và mắc một loạt bệnh mãn tính”, Đại sứ Brownback nói.
Báo cáo năm của Bộ Ngoại giao cho biết Trung Quốc đã “bắt giữ từ 800.000 đến hơn 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người thiểu số Kazakhstan và những người Hồi giáo khác trong các trại tập trung được thiết kế để dẹp bỏ các bản sắc tôn giáo và sắc tộc”.
“Truyền thông quốc tế, các tổ chức nhân quyền và những người từng bị giam giữ đã thông báo cho các quan chức an ninh tại các trại về việc một số người bị giam giữ bị lạm dụng, tra tấn và giết chết”, báo cáo viết. Một số người từng bị bắt cho biết họ đã bị buộc tham gia các khóa học tẩy não.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc khẳng định các trại này chỉ là các biện pháp nhằm chống lại điều mà nước này gọi là làn sóng cực đoan đang gia tăng tại Tân Cương. Bắc Kinh nói các trại này là “các trung tâm giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề phục vụ các mục đích chống cực đoan hóa và chống khủng bố”.
"Trung Quốc không công nhận quốc tịch kép"
Đại sứ Brownback cho hay ông đã nêu vấn đề trên vài tuần trước với các quan chức Mỹ tại Liên hợp quốc.
“Tôi nói, tôi đã có danh sách những cái tên, hàng trăm cái tên được gửi cho tôi rằng họ không thể tìm thấy người nhà. Chúng tôi mạnh mẽ phản đối các hành động mà chúng phủ Trung Quốc đang làm và tiếp tục làm”, ông nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ tối ngày 27/3 đã nhắc lại khuyến cáo đi lại đối với các công dân Mỹ tới Trung Quốc, đặc biệt cảnh báo về “các biện pháp an ninh tăng cường tại khu tự trị Tân Cương”.
“Chúng tôi cam kết cung cấp tất cả các hỗ trợ lãnh sự có thể đối với các công dân Mỹ ở nước ngoài nếu cần”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. “Tuy nhiên, Bắc Kinh không công nhận quốc tịch kép của họ. Điều đó có nghĩa Trung Quốc có thể cản trở Đại sứ quán Mỹ cung cấp hỗ trợ lãnh sự trong một số trường hợp, và các công dân Mỹ gốc Trung Quốc hoặc công dân Mỹ có gốc gác Trung Quốc có thể trở thành đối tượng bị tăng cường kiểm tra an ninh và bị quấy rối”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tuần này đã gặp một số người tị nạn Duy Ngô Nhĩ tại Washington và cũng lên tiếng chỉ trích các hành động mà ông nói là vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay đã lên tiếng về các thông tin trên, nói rằng Bắc Kinh “mạnh mẽ phản đối ý đồ của Mỹ nhằm sử dụng vấn đề Tân Cương để can thiệp vào tình hình nội bộ của Trung Quốc”.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: Báo Dân trí