Lưới điện 10 kV chạy ngay sát trên nhà dân |
Năm 2007, UBND xã Minh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) tổ chức bán đấu giá 17 lô đất ở xóm Mới. Trước khi tổ chức đấu giá, UBND xã cam kết sẽ cho di dời đường dây điện 10 kV gồm 5 cột điện chạy ngang qua 17 lô đất này, ngay sau khi bàn giao đất.
Thế nhưng, từ đó đến nay, lời hứa ấy xã không thực hiện, trong khi các hộ dân phải “liều mạng” làm nhà, sinh sống ngay sát dưới lưới điện trung thế này.
Anh Nguyễn Bá Thành, một hộ dân trúng đấu giá đất ở đây, cho biết sau khi được bàn giao đất, các hộ dân đã nhiều lần đề nghị UBND xã Minh Thành thực hiện lời hứa, cho di dời lưới điện để dân làm nhà ở, nhưng lãnh đạo xã cũng chỉ hứa mà không thực hiện.
Vì cần nơi ở, nên nhiều hộ dân đành phải làm nhà ngay sát dưới lưới điện. Năm 2012, anh Thành làm nhà trên lô đất đã mua và phải thụt lùi chiều dọc căn nhà vào 2 m so với thiết kế, để tránh lưới điện. Tuy nhiên, khi đổ tầng 2, hành lang phía trước chỉ cách lưới điện chưa đến 2 m và bị cán bộ điện lực đến lập biên bản, yêu cầu dừng thi công vì vi phạm an toàn hành lang lưới điện. Anh Thành cung cấp hồ sơ đất và cam kết di dời đường điện của xã, nên cán bộ điện lực phải để anh tiếp tục thi công.
“Tôi biết xây dựng nhà như thế này là rất nguy hiểm nhưng không xây nhà để ở thì biết ở đâu? Phần đất này chúng tôi đã được cấp quyền sử dụng hợp pháp, nghĩa là lưới điện này đang “cư trú” bất hợp phát trên phần đất ở của chúng tôi”, anh Thành nói, và cho biết anh đang chuẩn bị xây dựng một căn nhà mới ở lô đất mua lại của người khác trúng đấu giá nằm kề bên để làm nơi kinh doanh buôn bán, nhưng chưa thể xây được vì bị đường điện này án ngữ ngay giữa lô đất.
“Tôi lên kêu xã, yêu cầu di dời đường điện để tôi làm nhà, nhưng xã nói đây là việc của điện lực. Tôi kêu điện lực thì họ lại bảo đây là trách nhiệm của xã, bây giờ không biết làm sao để xây nhà?”, anh Thành bức xúc.
Năm 2015, anh Lăng Tuấn Cảnh, một hộ dân mua đất ở đây xây nhà, khi thợ đang đổ mái tầng trệt, thì không may một thợ xây bị điện giật do vô tình để thước chạm vào lưới điện chạy qua (chỉ cách mặt sàn bê tông đang đổ chừng 2,5 m), khiến anh này bị thương nặng.
Cũng vì sự việc này mà anh Cảnh chỉ xây được tầng trệt rồi dừng lại không thể xây tiếp. Gần đó, hiên nhà tầng 2 của anh Nguyễn Thọ Ngân chỉ cách lưới điện chừng 1 m. Anh Ngân cho biết anh làm nhà năm 2011, xây xong tầng 1, đã lên xã đề nghị di dời đường dây để xây tiếp, nhưng chờ mãi không thấy dời, nên phải lùi tầng 2 vào phía sau để tránh đường dây điện này. Từ đó đến nay, cả gia đình phải chấp nhận sống chung với hiểm họa ngay dưới đường điện.
Xã thất hứa vì không có kinh phí!
Ông Trần Khánh Tùng, Chủ tịch UBND xã Minh Thành, thừa nhận xã đã thất hứa với dân. Theo ông Tùng, năm 2011, UBND xã hợp đồng với 1 doanh nghiệp cho dựng 5 cột điện sát mép đường liên xã để di chuyển đường dây ra khỏi 17 lô đất đã bán. Tuy nhiên, chỉ dựng được cột và “không hiểu sao đường dây lại không chuyển được!”.
“Thời điểm đó, tôi chưa phụ trách nên tôi không biết nguyên nhân, mấy năm nay dân đã nhiều lần đề nghị xã phải di dời đường dây nhưng chưa làm được, do xã không có kinh phí. Xã cũng đã nhiều lần kiến nghị điện lực và UBND huyện hỗ trợ kinh phí để di dời, nhưng vẫn chưa được”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, năm 2017, lãnh đạo Điện lực huyện Yên Thành có về kiểm tra, thông báo kinh phí di dời đường dây khoảng 400 triệu đồng và “sẽ cố gắng làm xong trước tết Nguyên đán”, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì.
Trong khi đó, ông Hồ Sĩ Vĩnh, Giám đốc Điện lực huyện Yên Thành, cho rằng đường điện này có trước khi xã Minh Thành bán đất nên trách nhiệm di dời là của xã. “Khi bán đất, huyện đã yêu cầu xã bố trí kinh phí để di dời đường dây nhưng xã không thực hiện. Bây giờ xã phải lo kinh phí, chúng tôi chỉ hỗ trợ kỹ thuật để di dời, chứ chúng tôi không thể lo kinh phí, hay đi xin kinh phí từ huyện được”, ông Vĩnh nói.
Cũng theo ông Vĩnh, người dân đang sống ngay sát lưới điện trung thế như vậy là rất nguy hiểm, điện lực đã nhiều lần đến kiểm tra nhưng chỉ cảnh báo, chứ không thể bắt dân tháo dỡ nhà cửa được, vì dân đang sống trên mảnh đất hợp pháp của họ.
Tác giả: Khánh Hoan
Nguồn tin: Báo Thanh niên