|
Theo kết quả một cuộc điều tra của trang Detroit Free Press và USA Today Network, khi xảy ra va chạm, SUV có khả năng gây tử vong cho người đi bộ cao gấp 2-3 lần so với sedan.
Giới chức Mỹ được cho là đã biết về vấn đề này từ nhiều năm nay nhưng vẫn khá thờ ơ trong việc tìm ra giải pháp giúp giảm tỷ lệ tử vong hoặc tuyên truyền về vấn đề này.
Theo kết quả điều tra, số người đi bộ thiệt mạng tại Mỹ từ năm 2009 đến nay đã tăng 46% và SUV có mặt trong đa số các trường hợp. Năm 2016, có tới gần 6.000 người đi bộ thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông tại Mỹ.
Phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra ở các thành phố lớn; đứng đầu là Detroit, rồi tới Newark, St. Louis, Baton Rouge, Miami, San Bernardino, Birmingham, Tampa, và Phoenix.
|
SUV không hoàn toàn là nguyên nhân, vì nhiều trường hợp người đi bộ bất cẩn hoặc uống rượu, bia. Smartphone cũng là một nguyên nhân, vì gây xao nhãng.
Dù có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn chết người, nhưng mối liên hệ với xe gầm cao là khá rõ.
Cũng có một số ý kiến tranh cãi về con số chính xác, nhưng trang Detroit Free Press cho biết số ca tử vong liên quan tới xe gầm cao trong thời gian từ năm 2009 đến 2016 tăng 69%.
|
Các yếu tố được cho là nguyên nhân khiến xe gầm cao có tỷ lệ gây sát thương cao hơn sedan là chiều cao mũi xe, thiết kế mũi xe, tốc độ. Cụ thể, mũi xe SUV cao hơn nên khi xảy ra va chạm với người đi bộ, phần tiếp xúc sẽ nhiều hơn, nguy hiểm hơn (trong khi sedan thường chỉ đâm vào phần chân người đi bộ); cộng thêm tốc độ SUV thường cao hơn sedan, nên dẫn tới mức độ chấn thương và nguy cơ tử vong cao hơn.
Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) đã đề cập tới mối liên hệ trong một báo cáo năm 2015 nói rằng khoảng 1/3 trường hợp người đi bộ bị thương trong tai nạn giao thông là do xe bán tải hoặc SUV; tỷ lệ này tương đương với số xe bán tải và SUV trong giao thông Mỹ. Tuy nhiên, SUV và xe bán tải lại chiếm gần 40% ca tử vong của người đi bộ.
Cũng theo báo cáo trên, kết quả phân tích 12 vụ tai nạn khác nhau cho thấy khi bị đâm bởi xe gầm cao, người đi bộ có nguy cơ tử vong cao gấp 2-3 lần so với bị đâm bằng sedan. Do đó, cơ quan này đề xuất đưa chỉ số an toàn cho người đi bộ vào hệ thống xếp hạng xe hơi.
Hệ thống xếp hạng này dự kiến sẽ được áp dụng cho các xe phiên bản 2019 nhưng không thành. NHTSA không tiết lộ lý do, nhưng một số nhà sản xuất ô tô được cho là đã phản đối cách xếp hạng này.
Cuộc điều tra cũng cho thấy các nhà sản xuất ô tô đã giới thiệu nhiều hệ thống an toàn hỗ trợ tài xế hiện đại, giúp ngăn chặn hoặc giảm mức độ tác động của các vụ tai nạn với người đi bộ. Đó là các hệ thống như: cảnh báo va chạm trước và hệ thống phanh tự động khẩn cấp.
Hệ thống phanh khẩn cấp tự động sẽ được kích hoạt khi các cảm biến và camera phát hiện có chướng ngại vật trong bán kính 20m phía trước, như các xe khác, người đi bộ..., mà tài xế không có dấu hiệu đi chậm lại hoặc chủ động phanh.
Hệ thống phanh khẩn cấp tự động sẽ được kích hoạt khi các cảm biến và camera phát hiện có chướng ngại vật trong bán kính 20m phía trước, như các xe khác, người đi bộ..., mà tài xế không có dấu hiệu đi chậm lại hoặc chủ động phanh.
|
Tuy nhiên, không phải hãng nào cũng tích cực trang bị công nghệ tiên tiến này cho xe của mình. Kết quả khảo sát cho thấy một số hãng trang bị tiêu chuẩn hệ thống phanh tự động khẩn cấp cho khá nhiều xe thì một số khác có tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, Tesla 99%, Mercedes-Benz 96%, Volvo 68% và Toyota 56%; trong khi Fiat Chrysler chỉ có 6%, Mitsubishi 3%, Ford 2%; thậm chí Jaguar/Land Rover và Porsche là không có xe nào được trang bị tiêu chuẩn hệ thống này.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí