Xe

Xe máy đội giá: Chuyên gia đặt nghi vấn "liệu có chia chác, bảo kê"?

PGS.TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi tại sao giá bán xe máy tại Việt Nam cao hơn niêm yết lại phổ biến và diễn ra ngang nhiên như vậy, liệu cơ quan thuế có chia chác, bảo kê ở đây không.

Trong bài viết "Xe máy đội giá: Khách chịu thiệt, Nhà nước thất thu thuế cả trăm tỷ đồng?" chia sẻ với Dân trí, độc giả Quốc Bình nêu vấn đề khách mua xe máy Honda với giá cao hơn 25-30% so với giá niêm yết của nhà sản xuất. Theo độc giả này, việc đại lý ghi hóa đơn theo giá xe đề xuất chứ không phải giá mua bán thực tế không chỉ khiến khách hàng chịu thiệt, mà cả cơ quan thuế, Nhà nước cũng bị thất thu rất nhiều.

Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng nếu xác định đúng có thực trạng đại lý bán xe một giá nhưng kê khai giá khác thì đây là hành vi trốn thuế.

"Trong trường hợp này, cần phải xem đây là giá của đại lý tự bán hay chính sách của cả hãng. Nếu như là hành vi của hãng thì rất nghiêm trọng bởi thực hiện có tổ chức, còn cá nhân trốn thuế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiền thuế mà mình khai sai", bà Cúc nói.

Xe máy Honda được bán với giá cao hơn đề xuất đã trở thành chuyện chẳng lạ ở Việt Nam (Ảnh: SH).

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, nhìn nhận việc khai giá bán thấp hơn giá thực tế bán ra cho người dân là hành vi trốn thuế và gây thất thu cho Nhà nước. Ông Thịnh lấy dẫn chứng, nếu đại lý bán một chiếc xe máy giá 45 triệu đồng nhưng chỉ khai vào hóa đơn 35 triệu đồng thì thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác phải nộp đều thấp đi.

"Hành vi này cần phải được ngăn chặn vì đó là hành vi trốn thuế", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính - phân tích, giá là thỏa thuận giữa người mua và người bán, nếu thuận mua vừa bán thì không có vấn đề gì giữa hai bên. Tuy nhiên, giữa giá bán thực và giá trên hóa đơn khác nhau làm ảnh hưởng đến việc thu thuế của Nhà nước và cơ quan chức năng cần phải vào cuộc.

"Tại sao hiện tượng này phổ biến mà lại diễn ra ngang nhiên và cứ tiếp diễn như vậy, phải chăng cơ quan thuế có chia chác, bảo kê ở đây?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Theo ông Long, thực tế, người mua cũng muốn được ghi hóa đơn thấp hơn giá trị thực để chịu thuế suất thấp. Ông đánh giá việc làm này rất tinh vi khi lợi dụng quyền lợi của người tiêu dùng để thực hiện hành vi sai trái.

Do đó, việc xác minh thông tin đòi hỏi nghiệp vụ cao, nếu cần phải chuyển sang cơ quan điều tra. Cơ quan thuế cần có chế tài xử phạt thật nghiêm và sau khi xác minh được, phải đưa ra công luận.

Tham khảo biến động giá xe Honda Vision bản tiêu chuẩn thời gian qua (Ảnh: BeeCost).

Bà Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng việc xác định hành vi trốn thuế trên tương đối khó khăn, cần phải có bằng chứng chứ không chỉ nghe qua phản ánh. Muốn truy thu, cơ quan thuế phải có cơ sở pháp lý thông qua hóa đơn, chứng từ để xác định được người bán bán không đúng giá thị trường.

Khi đã xác định có hành vi trốn thuế, cơ quan chức năng sẽ truy thu toàn bộ số tiền có cơ sở chứng minh được đã trốn thuế. Ví dụ với mặt hàng xe máy, cơ quan thuế có quyền ấn định lại giá đã bán tại một thời điểm nhất định (theo giá hãng đưa ra), sau đó tính toán (không thể chính xác hoàn toàn vì giá điều chỉnh liên tục) để truy thu tiền thuế đã thất thoát.

Về giải pháp tránh thất thu thuế và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ông Đinh Trọng Thịnh gợi ý nên yêu cầu mua bán các loại tài sản qua tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, người mua cần phải yêu cầu người bán có hóa đơn rõ ràng, ghi đúng giá mà mình phải trả tiền.

"Chúng ta cần có biện pháp cương quyết hơn và xử lý trốn thuế đúng với chế tài đã quy định, thậm chí tăng chế tài đối với hành vi này. Nếu trốn thuế nhiều lần, có hệ thống thì phải xử lý hình sự", ông Thịnh nói.

Tác giả: Văn Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP