Pháp luật

Xét xử BS Hoàng Công Lương: Lập biên bản khống sau khi bệnh nhân chết

Cả 2 bị cáo Sơn và Quốc đều khai nhận cả 2 biên bản bàn giao thiết bị đều được lập sau khi các bệnh nhân tử vong.

Sáng nay, phiên toà xét xử vụ án hình sự khiến 8 bệnh nhân tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình tiếp tục phần xét hỏi.

HĐXX cho đối chất giữa bị cáo Bùi Mạnh Quốc (GĐ công ty Trâm Anh) và Bùi Văn Sơn (cán bộ phòng Vật tư, trang thiết bị của BV) về biên bàn giao thiết bị giữa công ty Thiên Sơn với phòng vật tư sau sửa chữa vào thời điểm 18h30 ngày 28/5.

Trong đó bị cáo Quốc khẳng định, bản thân không ký bất kỳ biên bản nào vào ngày 28/5 và không biết ai lập biên bản.

Bị cáo Trần Văn Sơn (áo trắng) thừa nhận lập khống 2 biên bản để hợp thức hoá thủ tục

Trả lời sau, bị cáo Sơn thừa nhận không có biên bản nào được ký ngày 28/5, biên bản bàn do bị cáo lập chiều 29/5 - sau khi sự cố chạy thận xảy ra và bị cáo Bùi Mạnh Quốc có ký vào.

Chủ toạ hỏi: “Mục đích của việc gian dối này là gì?”. Sơn giải thích: Theo quy định trước và sau khi sửa chữa phải có biên bản bàn giao với chứ ký 2 bên gồm đơn vị sửa chữa và đại diện BV. Do đó Sơn lập khống biên bản để hợp thức hoá các thủ tục.

Khi HĐXX hỏi: Có ai chỉ đạo việc ký và lập khống biên bản này?, Sơn ấp úng nói: Không có ai chỉ đạo.

Biên bản nói trên không được giao nộp cho cơ quan điều tra.

Tương tự, với biên bản bàn giao thiết bị giữa phòng Vật tư của BV với đơn nguyên thận nhân tạo, Sơn khai cũng tạo khống và đều được ký vào chiều 29/5.

Sơn cho biết, sau khi lập biên bản, có đưa cho điều dưỡng đơn nguyên thận nhân tạo là Nguyễn Thu Hằng. Khi nhận lại bản photo vào hôm sau, bên dưới đã có chữ ký của chị Đỗ Thị Điệp – điều dưỡng đơn nguyên thận nhân tạo trực ngày 28/5.

Bác sĩ không phải kiểm tra mẫu nước

Trả lời thẩm vấn trước toà, BS Hoàng Công Lương cho biết, không tự đề xuất sửa chữa thiết bị vào ngày 20/4 mà chỉ ký xác nhận vào biên bản đề xuất cùng điều dưỡng Hằng.

Theo BS Lương, đơn nguyện chạy thận có 3 bác sĩ, ai cũng có thể ký vào biên bản này, hôm đó anh gặp chị Hằng nên là người ký.

BS Lương nói thêm, có nắm được thông tin sẽ bảo dưỡng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28/5, tuy nhiên cụ thể sửa chữa gì thì không biết. Theo nguyên tắc, ai trực ngày nào sẽ nhận bàn giao thiết bị sau sửa chữa ngày đó, thời điểm ngày 28/5 là điều dưỡng Đỗ Thị Điệp trực.

BS Lương trao đổi với luật sư trước phiên xử

Theo lời khai của chị Điệp, khoảng 18h30 ngày 28/5, chị nhận được điện thoại của bị cáo Bùi Văn Sơn thông báo: “Thiết bị đã sửa xong, mai các chị có thể cho hoạt động bình thường. Kỹ sư vẫn còn ở đây, biên bản mai em sẽ đưa cho chị kỷ”.

Hiểu rằng máy đã sửa hoàn tất nên sáng 29/5, chị Điệp thông báo chung cho 3 bác sĩ và 9 điều dưỡng của đơn nguyên thận nhân tạo trước khi lọc máu cho bệnh nhân.

HĐXX hỏi BS Lương về việc trước khi chạy thận có phải kiểm tra mẫu nước không? Nếu xét nghiệm mẫu nước thì bao nhiêu ngày có kết quả? BS Lương khẳng định, việc của bác sĩ chỉ là điều trị. Việc kiểm tra mẫu nước hay xét nghiệm không phải việc của bị cáo nên không biết và không nắm rõ.

Cũng trong phiên toà sáng nay, HĐXX hỏi thêm một số lãnh đạo, điều dưỡng của khoa Hồi sức tích cực (HSTC) với tư cách người làm chứng, người có qyền và nghĩa vụ liên quan.

Trong đó ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên là trưởng khoa HSTC khẳng định trong cuộc họp cuối năm có phân công nhiệm vụ quản lý, đào tạo tại đơn nguyên thận nhân tạo cho BS Hoàng Công Lương. Biên bản do điều dưỡng trưởng khoa HSTC Hoàng Tiến Công ghi lại.

Trả lời trước toà, BS Lương nhiều lần khẳng định trong cuộc họp cuối năm 2015 chỉ có bình xét thi đua, không có nội dung được giao quản lý, đào tạo.

Tác giả: Thúy Hạnh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP