Bị cáo Bùi Mạnh Quốc là Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh (Công ty Trâm Anh) và là người trực tiếp sửa chữa hệ thống lọc RO số 2 tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc. |
Bùi Mạnh Quốc khai chiều 29/5/2017 (thời điểm sau khi xảy ra sự cố y khoa làm 9 người chết) bị cáo đã ký hợp thức hợp đồng với Công ty Thiên Sơn ngay tại khu vực nhà xe của đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình. (Thiên Sơn là Công ty trực tiếp ký hợp đồng cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho đơn nguyên Thận nhân tạo với BVĐK tỉnh Hòa Bình).
Việc ký hợp đồng này có sự chứng kiến của bà Tiên (nhân viên Công ty Thiên Sơn) và em của bị cáo đi chơi cùng.
Theo bị cáo, ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình không được biết việc này. Việc ký này cũng không đóng dấu Công ty Trâm Anh vì lúc đó con dấu đang ở nhà bị cáo ở Bắc Ninh.
Vào chiều 22/5, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế) khẳng định trước HĐXX, Bộ Y tế không ban hành 2 quy trình bảo dưỡng hệ thống RO và quy trình quản lý chất lượng nước RO mà căn cứ vào tiêu chuẩn của nhà sản xuất ghi trên sản phẩm.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế tại phiên tòa. |
Trả lời luật sư Trần Hồng Phúc, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai trước đó không ai giao cho bị cáo các tiêu chuẩn để phục vụ sửa chữa, cũng không có sơ đồ hướng dẫn sửa chữa. Chính vì lẽ đó, bị cáo đã vẽ sơ đồ cho cơ quan điều tra để giúp cơ quan điều tra sớm làm sáng tỏ vụ việc.
“Không ai giao cho bị cáo các tiêu chuẩn để phục vụ sửa chữa. Bị cáo cũng không thấy trên hệ thống có dán tem mác theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, không thấy dấu hợp chuẩn, hợp quy như lời ông Nguyễn Huy Quang nói”, Bùi Mạnh Quốc khai.
Nhắc lại quy trình sửa chữa hệ thống lọc RO số 2, Bùi Mạnh Quốc khai bị cáo không mở ra 4 màng để xác định màng nào hỏng, bị cáo cũng không báo với Công ty Thiên Sơn là thay 2/4 mà báo thay 4/4 màng lọc, nhưng Công ty Thiên Sơn chỉ đồng ý thay 2 màng lọc.
Lý giải vì sao xác định được hai màng bẩn để thay, Quốc cho biết xác định từ đầu nguồn nước vào hệ thống, màng nào chịu tải đầu tiên sẽ phải thay trước.
“Bị cáo quan sát bằng mắt thường, cách thức sửa chữa là vệ sinh bên ngoài màng của 2 màng lọc, còn 3 lít hóa chất đổ tiếp vào 4 cột màng, lúc sục rửa các màng đã tháo ra ngoài vệ sinh. Sục rửa thì chỉ cần bật bơm là tự đẩy ra ngoài, khi đó không có 4 màng RO”.
Trước đó, tháng 2/2017, bị cáo đã thực hiện vệ sinh cả hệ thống RO số 2 và số 1. Thời điểm đó bị cáo không làm hợp đồng với Công ty Thiên Sơn, không thay màng RO số 2 mà cho tẩy cặn của màng RO, tức là sục rửa màng và vỏ màng cùng lúc bằng loại axit HF mà bị cáo đã sử dụng trong ngày 28/5/2017.
“Đến bây giờ bị cáo cũng như tất cả các nhân viên y tế đều xác định quan sát đồng hồ đo độ dẫn điện. Trước khi khởi động hệ thống, bắt buộc phải nhìn vào đồng hồ đo độ dẫn. Khi bị cáo sục rửa thì nhìn trên đồng hồ và thấy vẫn an toàn”, Bùi Mạnh Quốc khai.
Bùi Mạnh Quốc thừa nhận nguyên nhân hàng loạt bệnh nhân chạy thận tử vong là do tồn dư hóa chất trong hệ thống RO số 2. Theo bị cáo, quá trình vệ sinh vỏ màng và vệ sinh bề ngoài mặt màng RO dẫn đến tồn dư hóa chất.
Tác giả: PV
Nguồn tin: infonet.vn