Tôi đọc được thông tin về phiên tòa xét xử Nguyễn Khắc Thủy đúng lúc đang cho con gái đi chơi tại trung tâm thương mại gần nhà. Vừa đọc đến phần kết quả, rồi nhìn bức ảnh bị cáo sắp bước sang tuổi 80 vênh mặt lên đầy thách thức, tôi rùng mình, ớn lạnh.
Rùng mình vì giận dữ, căm phẫn, bức xúc. Ớn lạnh vì thương các cháu bé bị hại. Và lại rùng mình khi thoáng qua ý nghĩ trong đầu, nếu giả sử con gái mình chẳng may bị kẻ đồi bại ấy xâm hại, thì không hiểu lúc đó trạng thái cảm xúc của mình sẽ ra sao?
Không phải dân luật, nhưng tôi thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu các kiến thức, tình huống liên quan đến pháp lý. Phải nói luôn rằng, từ trước tới nay, có lẽ tôi chưa từng thấy phiên tòa phúc thẩm nào mà lại hạ bản án từ 3 năm phạt tù giam ở phiên sơ thẩm xuống thành án treo, trong khi, hành vi phạm tội không thay đổi, bị cáo không đưa được ra tình tiết mới để bảo vệ cho mình.
Theo thông tin từ nguồn khá tin cậy, tôi biết, thực ra, các cháu bé bị lão già đổ đốn, đồi bại kia xâm hại lớn hơn nhiều. Có điều, ấu dâm, hay nói cách khác là xâm hại trẻ em là loại tội phạm phức tạp, khó thu thập chứng cứ, nạn nhân lại là các cháu nhỏ, người làm chứng không ghi lại được bằng chứng cụ thể nên rất khó trong quá trình điều tra. Chính vì điều đó, bị cáo đã cãi bay cãi biến, dối trá một cách trơ trẽn.
Bức ảnh bị cáo sắp bước sang tuổi 80 phạm tội dâm ô trẻ em vênh mặt lên đầy thách thức. |
Thôi thì, các nạn nhân kia do chưa có được bằng chứng rõ ràng nên khó kết tội cho bị cáo, nhưng, tôi nghĩ, chỉ cần một nạn nhân được xác định rõ ràng, cụ thể, chi tiết thôi, đã quá đủ để phải xử lý, trừng trị nghiêm khắc kẻ xấu kia rồi.
Vậy nhưng, có vẻ trong vụ án này, cơ quan xét xử đã cố tìm mọi cách để làm giảm mức độ nghiêm trọng của vụ án, cố đưa ra các yếu tố có lợi để giảm nhẹ cho bị cáo. Điều đó không chỉ làm nạn nhân và người thân của bị hại thêm bức xúc, xót xa, mà còn khiến cho những bị hại vì lý do gì đó chưa xác định được cảm thấy bất bình, chua chát.
Phải chăng, để bảo vệ cho một lão già đổ đốn, người ta chấp nhận quay lưng, ngoảnh mặt, không thèm đoái hoài đến cảm xúc, tâm trạng, nỗi đau đeo đẳng đối với các cháu bé là nạn nhân và gia đình của họ?
Điều khiến người dự phiên tòa và người theo dõi qua báo chí cảm thấy hết sức lố lăng, nực cười, đó là, cơ quan xét xử đã đưa ra lý do bị cáo tuổi cao, sức yếu, là cán bộ ngân hàng, có nhiều đóng góp cho xã hội để giảm án, theo hướng thấp nhất có thể.
Tôi và chắc chắn nhiều người khác sẽ tò mò tự hỏi, kẻ phạm tội ấu dâm kia đã đóng góp những gì cho xã hội? Đóng góp cho xã hội là cho ai? Tiếc là người ta đã không đưa ra được những dẫn chứng cụ thể mà mọi người muốn biết.
Còn tôi, chỉ thấy rõ nhất “đóng góp” của bị cáo này cho “xã hội”, đó chính là khiến các cháu nhỏ ở khu chung cư mà lão đang sinh sống phải sợ sệt, lo lắng, hoảng loạn. Một số cháu đã phải chuyển đi sinh sống nơi khác cho an toàn hơn, bớt đi sự ám ảnh. Và nhiều cháu nhỏ không chỉ ở khu chung cư đó, mà còn ở nhiều nơi khác đã mang cho mình tâm trạng bất an, lo lắng, ngờ vực khi tiếp xúc với những người đàn ông lớn tuổi, khi đã lên tuổi ông, tuổi cụ rồi. Đấy, đó cũng là “đóng góp”, phải không?
Lý do tuổi cao, sức yếu cũng thật khó chấp nhận. Tuổi cao lẽ ra càng phải sống mẫu mực, đàng hoàng, nghiêm túc, yêu thương con trẻ, để phúc để đức cho cháu con sau này hơn. Đâu phải tuổi cao là được phép đổ đốn, bệnh hoạn, muốn làm gì cũng được vì sẽ được pháp luật…nương nhẹ?
Bị cáo có sức yếu thật không?
Nếu yếu thật thì cái phần “thú vật” trong người đã chẳng trỗi dậy mạnh mẽ đến mức lão phải bất chấp pháp luật, đạo lý để có những hành vi đồi bại, nhiều lần liên tục với không chỉ một cháu bé ngay trong khu mình sinh sống như vậy. Còn bị giam giữ, phải ra tòa, đối mặt với công lý, đối mặt với sự bức xúc của dư luận, dù có khỏe đến đâu cũng phải yếu đi.
Chưa kể, nhiều kẻ còn cố gắng tạo cho mình vỏ bọc “ốm yếu”, sút giảm sức khỏe để vớt vát sự thương hại của cộng đồng, cơ quan xét xử. Nếu chỉ nhìn vào cái vẻ bề ngoài ấy để quyết định giảm án, từ 3 năm tù giam xuống còn án treo, liệu có phải tòa đã quá ngây thơ, cảm tính, “bao dung”, thiếu công bằng, nghiêm khắc hay sao?
Cuối tháng 6/2016, trong lúc tâm sự với bé N., chị Th. (ở chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) tá hỏa khi nghe con gái kể về việc bị ông Thủy đưa ra góc cầu thang xâm hại tình dục. |
Những người đã từng theo dõi từ đầu vụ việc, chắc chắn đều muốn rằng, kẻ già bệnh hoạn này lẽ ra phải bị áp dụng các tình tiết tăng nặng, phải bị xử phạt nghiêm khắc hơn nhiều thay vì được giảm nhẹ. Được biết, thời gian đầu, trước khi bị khởi tố, lão đã tìm mọi cách chối tội, quanh co, gây bất lợi cho công tác điều tra.
Đặc biệt hơn, có giai đoạn, gia đình bị hại còn bị những kẻ giấu mặt đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí, mẹ của cháu bé bị xâm hại còn cho rằng, bị chính lão này thách thức, dằn mặt. Kẻ như vậy có đáng được hưởng sự châm chước, bao dung không?
Tội phạm xâm hại trẻ em đang bùng phát ngày càng nhiều trong đời sống xã hội. Đau đớn thay, kẻ phạm tội lại thường là những người có trí thức, nhìn đạo mạo, nghiêm túc, có mối quan hệ thân tình, gần gũi với nạn nhân.
Chính điều đó đã khiến những bậc phụ huynh có con nhỏ ngày càng lo sợ, hoang mang hơn mỗi khi vì lý do gì đó không thể kè kè bên cạnh đứa con bé bỏng, ngây thơ của mình. Họ mong lắm, chờ đợi lắm những phiên tòa như này sự công chính, nghiêm minh, để ít ra còn thêm lòng tin rằng, bất kể kẻ nào xâm phạm trẻ em đều bị trừng trị nghiêm khắc.
Vậy nhưng, phiên tòa phúc thẩm này đã không mang lại điều đó. Có vẻ như, người ta đang tìm mọi cách để “bênh” một lão già bệnh hoạn, sẵn sàng quay lưng lại với trẻ em, đối tượng lẽ ra phải được cả xã hội quan tâm, yêu thương, chung tay bảo vệ nhất?!
Video: Dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu: Bị cáo 78 tuổi 'thà nhận án tử hình, chứ không nhận tội'
Tác giả: Chiến Văn
Nguồn tin: Báo VTC News