Giáo dục

Xét xử vụ lộ đề thi Sinh học năm 2021: Một lãnh đạo Cục chỉnh sửa phần mềm chọn đề thi

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã yêu cầu can thiệp phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi từ rút ngẫu nhiên sang rút các tổ hợp câu hỏi. 2 giáo viên lợi dụng việc này, dùng câu hỏi của mình làm đề thi chính thức.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh minh họa: Quang Vinh.


Dùng đề thi ôn luyện cho thí sinh

Ngày 11/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ xét xử các bị cáo Phạm Thị My (SN 1963) và Bùi Văn Sâm (SN 1949), cùng cựu giáo viên Khoa Sinh, Đại học Sư phạm Hà Nội về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 1, Điều 356, khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Theo cáo trạng, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, báo chí, dư luận phản ánh đề thi môn Sinh học giống 80% so với đề ôn tập trên mạng Internet của ông Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh). Cảnh sát sau đó điều tra, xác định các bị can Sâm, My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi, trong đó bà My là Tổ trưởng Tổ ra đề thi, còn ông Sâm tham gia với tư cách thẩm định. Các năm trước đó, cả 2 bị can Sâm, My đã làm việc này nên biết cách hoạt động của phần mềm “rút câu hỏi ngẫu nhiên”.

Phạm Thị My trong quá trình ra câu hỏi đã nhiều lần mang các tài liệu ra khỏi khu vực quy định, gồm các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Bị can này đã chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính ở nhà, rồi in đưa cho Bùi Văn Sâm. Sau khi nhận tài liệu, Bùi Văn Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, trao đổi để Phạm Thị My ghi chép lại, đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện. 2 bị can sau đó đưa nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.

Tiếp đến, 2 bị can sắp xếp các câu hỏi đã được biên tập vào các vị trí trong 40 ô câu hỏi của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, với mục đích để khi máy tính rút các câu hỏi làm nguồn xây dựng đề thi, các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp. Cùng lúc, họ dùng chính những câu hỏi trên để dạy, ôn thi cho học sinh là “họ hàng, quen biết”.

Nhóm học sinh này đến từ các trường THPT: Yên Hòa; chuyên Khoa học tự nhiên; chuyên Hà Nội Amsterdam; Kim Liên; Thăng Long ở Hà Nội cùng trường chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) và chuyên Hà Tĩnh. Đề thi chính thức sau đó giống với các câu hỏi do nhóm Sâm, My soạn thảo, biên tập từ 70 - 95%, theo Kết luận giám định.

Nhóm học sinh này được xác định có “mối quan hệ họ hàng, quen biết” với Sâm, My và có nguyện vọng xét tuyển đại học khối B. 2 bị cáo được xác định không nhận tiền của phụ huynh, học sinh mà chỉ giảng dạy, ôn thi giúp do “nể nang tình cảm”. Cơ quan điều tra đánh giá, các học sinh, phụ huynh và những người giới thiệu để ông Sâm và bà My giảng dạy, ôn thi đều không biết 2 bị can đã sử dụng tài liệu liên quan đến quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để giảng dạy, ôn thi, nên không xem xét, xử lý.

Lãnh đạo cục chỉnh sửa phần mềm

Với đề ôn tập trên mạng của ông Phan Khắc Nghệ, kết luận giám định cho thấy, tỷ lệ giống từ 70 - 100% với các câu hỏi do Sâm, My soạn thảo; một số câu trùng cả về nội dung, kiến thức và đáp án. Theo điều tra, ông Nghệ quen Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm từ trước và trong các năm 2015 - 2018 có gửi mail cho My để hỏi về đề thi. Năm 2021, ông Nghệ nhiều lần gọi điện, nhắn tin để tìm hiểu thông tin liên quan đề thi Sinh học.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, chưa đủ căn cứ xác định My “bắn” đề cho ông Nghệ và ông này giảng dạy trên mạng internet, không có giá trị truy nguyên nên chưa có căn cứ xử lý hình sự. Cơ quan an ninh điều tra đã gửi văn bản tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, yêu cầu chấn chỉnh, kiểm điểm ông Nghệ. Tháng 2/2023, Sở này tổ chức họp, xác định ông Nghệ “gây dư luận không tốt, phần nào ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục”.

Một người khác bị xác định liên quan đến vụ án là ông Sái Công Hồng - cựu Cục Phó cục Quản lý chất lượng, nay là Phó vụ trưởng vụ Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Hồng bị cho là đã yêu cầu chỉnh sửa phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi, vốn được xây dựng cơ chế hoạt động là chọn ngẫu nhiên.

Cụ thể, sau kỳ thi THPT năm 2018, ông Hồng yêu cầu cần đảm bảo tính cân bằng độ khó giữa các câu hỏi trong tổ hợp câu hỏi thi mang đi thử nghiệm và giữa các tổ hợp câu hỏi được chọn cần phải có sự liên kết. Ông Hồng đã chỉ đạo ông Đỗ Thế Chuẩn - cán bộ Trung tâm Khảo thí quốc gia, người được giao phụ trách quản lý phần mềm, chỉnh sửa bằng cách viết mã nguồn (code) mới để thêm tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi thi trong từng ô câu hỏi và thay đổi tính năng sinh đề của phần mềm. Do vậy, phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi từ rút ngẫu nhiên chuyển sang rút các tổ hợp câu hỏi mà trong đó, các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.

Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định và kết luận, phần mềm trong máy chủ tại Trung tâm Khảo thí quốc gia có chức năng thiết lập "thứ tự xếp hạng" câu hỏi và khi xuất bộ đề thi các câu hỏi được chọn ngẫu nhiên từ cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, trong phần mềm xuất hiện 2 đoạn mã nguồn có chức năng thực hiện việc chọn câu hỏi không ngẫu nhiên. Hành vi của ông Hồng bị xác định vi phạm quy chế thi nhưng phía điều tra chưa có cơ sở xác định ông này vụ lợi hoặc có động cơ cá nhân khác nên không xử lý hình sự. Thay vào đó, cơ quan điều tra đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý trách nhiệm và rà soát quy chế, không để xảy ra sai phạm tương tự.

Ngoài vụ án lộ đề thi Sinh học năm 2021, việc tiêu cực trong thi cử diễn ra trong nhiều năm gần đây, điển hình là vụ nâng điểm cho học sinh xảy ra tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình các năm 2017 - 2018. Năm 2022, một thí sinh ở Đà Nẵng chụp ảnh đề thi môn Toán, đăng lên mạng nhờ “giải hộ”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vừa qua, cảnh sát xác định một thí sinh ở Cao Bằng cũng dùng điện thoại chụp ảnh, gửi đề Văn cho một nữ sinh đại học nhờ làm giúp.

Tác giả: Anh Quang

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP