Giáo dục

Xin số tài khoản thầy cô để 'tặng quà Tết', nên không?

Thời buổi công nghệ, lại trúng năm dịch bệnh hạn chế thăm viếng, không ít người đã chọn tặng quà Tết thầy cô bằng cách xin số tài khoản để gửi tiền...

Tết đến chuyển khoản cho thầy cô chút "lộc" đầu năm, nên không? - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Còn nhiều cách tế nhị hơn...

Suốt nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục, ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện giáo dục IRED, chia sẻ ông từng nhận những món quà thơm thảo, nhưng cũng có khi nhận được những món quà khiến mình khó xử. Đó có thể là những món quà đắt tiền, nhưng không thực sự phù hợp.

Theo ông, trong xã hội hiện đại, việc tặng quà Tết thầy cô qua tài khoản cũng không có gì đáng "lên án", nhưng đó là việc "nhạy cảm". Nếu được hỏi số tài khoản để tặng quà, ông sẽ "vừa vui vừa ngại".

"Vui vì có tình cảm. Nhưng rất ngại. Lòng không muốn cho, nhưng nếu không cho thì là phụ tấm lòng của học trò. Mọi tấm lòng đều đáng quý, nhưng cách thể hiện cần tinh tế để người nhận không khó xử", ông Trung nói.

Dù vậy, ông Giản Tư Trung cho rằng các học viên ít nhiều hiểu tính của thầy thì sẽ không bao giờ hỏi số tài khoản để tặng quà lễ Tết, bởi đơn giản là nếu hỏi thì ông sẽ từ chối.

Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM tâm sự mình đã từng nhận được tin nhắn hỏi số tài khoản để gửi lì xì Tết. "Tôi chỉ nhắn "hihi" và cảm ơn thôi", thầy Phú kể lại.

Thầy Phú giải thích, bản thân vốn dĩ không thích ai cho tiền mình một cách vô cớ. Theo thầy, quà là cái tình, khác với tiền, nên thầy từ chối.

"Việc tặng quà cho thầy cô là nhiều hình thức, chứ không nhất định là gửi tiền qua tài khoản", thầy Phú nói. Từ đó, thầy cho rằng phụ huynh cũng nên cân nhắc việc này, và giáo viên cũng cần cân nhắc việc này khi cho ai đó số tài khoản.

Cũng không loại trừ trường hợp số tài khoản sẽ bị phát tán vào những mục đích khác, gây nên những phiền toái không đáng có ngày đầu năm.

Tặng gì cho tỏ tấm lòng?

Nhìn nhận thời dịch bệnh làm hạn chế tiếp xúc, song thầy Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng hạn chế chứ không phải tuyệt đối không gặp gỡ được. Hiện nay học sinh cũng đã trở lại trường học, nên cũng không khó khăn gì nếu phụ huynh tới trường gặp thầy cô.

Và cuộc sống hiện nay ai cũng biết là rất khó khăn, không phải nhất thiết tặng quà cho thầy cô mới thể hiện được tấm lòng, mà nhiều khi đơn giản chỉ là một tin nhắn, một tấm thiệp…

"Ngày nay mọi thứ công nghệ quá dễ dàng. Đâu có khó khăn gì khi kêu shipper đến nhà thầy cô tặng một tấm thiệp, một ít trái cây… Vì sao cũng là công nghệ, mà không làm như thế để tế nhị hơn?", thầy Phú nói.

Ông Giản Tư Trung cũng là người khởi xướng việc tặng sách cho nhau vào dịp Tết, với bài viết: "Quà Tết: Rượu hay là sách?" đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2008. Theo ông, có nhiều cách thể hiện tấm lòng. Có thể xin địa chỉ rồi gửi những phần quà nho nhỏ, chẳng hạn mấy ký nếp, mấy ký gạo cũng rất ấm lòng.

"Cảm giác tết nhất là dịp để quan tâm đến nhau, đôi khi chỉ là tin nhắn thôi đã đủ thấy ấm áp rồi", ông Giản Tư Trung nói. Ông cũng cho biết còn lưu lại tất cả những tấm thiệp nho nhỏ viết tay của học viên làm tặng mình, coi đó như món quà tinh thần vô giá.

Tương tự, thầy giáo trẻ Nguyễn Nhân Trí (25 tuổi, Trường THPT chuyên Hùng Vương, Bình Dương) cho rằng quà nhỏ quà to không quan trọng, quan trọng là sự chân thành. Vậy nên nếu đưa số tài khoản của mình để học sinh, phụ huynh tặng quà thì cảm giác như là "giao dịch mua bán, rất ngại".

Thầy cho biết bản thân rất vui khi nhận những món quà tinh thần của học trò: các em làm thiệp rồi gom lại thành hộp quà, hay làm những poster, hoặc hát, viết lời chúc trên Facebook và "tag" thầy cô vào...

"Có những món quà lớn nhưng người nhận không dám khoe. Còn những món quà này thì thầy cô muốn khoe với mọi người vì thấy được học sinh của mình tôn trọng, yêu quý", thầy Trí nói. "Những món quà vừa mang tính công nghệ, vừa trẻ trung, không bị giới hạn bởi mùa dịch. Những món quà đầy tình cảm, đúng dịp, thể hiện được tấm lòng thì thầy cô vui thôi".

Tác giả: Trọng Nhân

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP