Bãi bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh có thể gây ra các tác động phức tạp khó lường
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh thay mặt UB Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo luật |
Trước phiên thảo luận, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý luật của UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, lần thảo luận trước, có 24/37 đại biểu Quốc hội phát biểu đề nghị không lập quy hoạch xây dựng tỉnh vì nội dung loại quy hoạch này trùng với quy hoạch tỉnh, đã được tích hợp trong bước quy hoạch này. Có 6/37 ý kiến đề nghị cần có quy hoạch xây dựng tỉnh như là một quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành riêng trong Luật Xây dựng (sửa đổi) để chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh. Có 7/37 ý kiến đề nghị nếu có Quy hoạch xây dựng tỉnh phải quy định ngay trong luật nội dung cụ thể quy hoạch và không được trùng lặp với quy hoạch tỉnh.
UB Thường vụ Quốc hội nêu 4 lý do giải trình để đề nghị Quốc hội giữ quy định về quy hoạch xây dựng tỉnh như trong dự thảo luật.
Cụ thể, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, dù việc đổi mới hoạt động quy hoạch là cần thiết song cũng cần phải đảm bảo tính kế thừa, sự tích hợp khoa học giữa quy hoạch mang tính phi vật thể trước đây (như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội) với quy hoạch mang tính vật thể (như quy hoạch xây dựng và quy hoạch kỹ thuật mang tính chuyên ngành khác).
Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh hiện tại hoàn toàn phù hợp với luật quy hoạch mới ban hành năm 2017. Quy hoạch xây dựng tỉnh là sự cụ thể hóa của quy hoạch tỉnh về mặt kỹ thuật chuyên ngành, nó không ngang cấp với quy hoạch tỉnh và hiện là cơ sở pháp lý quan trọng về mặt kinh tế, kỹ thuật đối với các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng liên huyện…
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (dự luật mới gọi là quy hoạch xây dựng tỉnh) thực tế đã được triển khai rộng rãi. Cụ thể, có 58 quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 5 quy hoạch chung thành phố thuộc Trung ương đã được phê duyệt… Có 15 địa phương cũng đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, trong đó có 6 nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt và hai đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
Như vậy việc bãi bỏ ngay quy hoạch vùng tỉnh, hiện chưa có thời gian và căn cứ để tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ có thể gây ra các tác động phức tạp về kinh tế, xã hội mà chưa thể lường hết được.
“Ngoài ra, với điều kiện hiện tại của nước ta, việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp như một số nước tiên tiến có điều kiện kinh tế phát triển thì cần có thời gian” – ông Thanh nêu rõ.
Việc bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh để thay thế bằng quy hoạch tỉnh chưa nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, các hiệp hội chuyên ngành…
Gửi phiếu để mỗi đại biểu Quốc hội thể hiện chính kiến
Đồng tình với việc có quy hoạch xây dựng tỉnh, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, quy hoạch xây dựng tỉnh là khâu quan trọng trong hệ thống quy hoạch xây dựng quốc gia hiện nay. Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, có chuyên ngành sâu và đã được thực hiện theo luật chuyên ngành, giúp cụ thể hóa các định hướng sử dụng về không gian, đất đai, môi trường trên địa bàn.
Còn quy hoạch tỉnh là quy hoạch chung gồm các lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế-xã hội nằm trong không gian của một địa giới hành chính.
“Quy hoạch xây dựng tỉnh có vai trò trong công tác quản lý, chứa đựng các tính toán về hệ thống hạ tầng về kinh tế, kỹ thuật, làm cơ sở cho phát triển về xây dựng quy hoạch và có định hướng phát triển của tầm vóc đô thị, tạo sự phân cấp của hệ thống đô thị để xác định các khu chức năng, thể hiện mối quan hệ kết nối giữa các đô thị và trục đô thị mang tính chất liên vùng kinh tế theo chiến lược quốc gia” – ông Hùng phân tích.
Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho biết, là thành viên UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường cùng tham gia thẩm tra dự luật trình ra lần này, ông đã phân tích các lý do và đề xuất quan điểm ủng hộ cần thiết phải có quy hoạch xây dựng tỉnh.
Chính phủ khi trình luật đã đề nghị như vậy. UB Thường vụ Quốc hội cũng nhận định về tính pháp lý, tính khoa học và tính thực tiễn để giữ quy định như trong dự thảo luật.
“Với những căn cứ đó, cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ quy định này. Tuy nhiên, cơ quan giải trình cần làm rõ hơn ý không có sự trùng lặp giữa quy hoạch xây dựng tỉnh với quy hoạch tỉnh mà các đại biểu Quốc hội đã nêu ra” – ông Minh đề nghị.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đại diện cơ quan soạn thảo giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra |
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) bày tỏ băn khoăn khi cho rằng, để làm rõ việc có cần thiết giữ quy hoạch xây dựng tỉnh hay không thì phải so sánh cụ thể được 2 loại quy hoạch: quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh. Quy định trong dự thảo luật chưa thể hiện được cụ thể quy hoạch xây dựng tỉnh là loại quy hoạch chi tiết để thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
“Tôi không thể hiện quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ việc giữ hay bỏ quy định về quy hoạch xây dựng tỉnh mà bày tỏ sự băn khoăn vì thấy cơ quan giải trình chưa đưa ra được lý do thuyết phục cho việc này” – ông Phùng Văn Hùng nói.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) vẫn cho rằng, quy hoạch xây dựng tỉnh là một hợp phần trong quy hoạch tỉnh. Ông Sinh nhận xét, các giải trình của Chính phủ, UB Thường vụ Quốc hội vẫn chưa chứng minh, làm rõ được sự khác nhau về nội dung giữa hai loại quy hoạch này.
Do vậy, ông đề nghị làm rõ nội hàm 2 loại quy hoạch với nguyên tắc, khi rà soát, điều chỉnh các nội dung này, phải lấy Luật Quy hoạch làm gốc, không được quy định trái và không được trùng lặp. “Tôi khẳng định quy hoạch xây dựng tỉnh trùng lặp phạm vi, nội dung, chi tiết với quy hoạch tỉnh” – ông Sinh quả quyết.
Báo cáo thêm sau đó, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, giải trình của UB Thường vụ Quốc hội là thỏa đáng. Bộ trưởng mong muốn Quốc hội ủng hộ việc giữ quy định về quy hoạch xây dựng tỉnh vì đó là ý kiến chung của cả Chính phủ và UB Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá các ý kiến của các đại biểu đều có lý lẽ thuyết phục. Do còn có những ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ có phiếu xin ý kiến để đại biểu thể hiện chính kiến.
Tác giả: P. Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí