Nhân ái

Xót cảnh người đàn bà tật nguyền nuôi chồng, con mắc bệnh não úng thủy

Tuổi đã cao, trong người mang nhiều bệnh tật, đôi chân tập tễnh, thế nhưng hơn 30 năm qua một mình bà phải gồng gánh chăm lo cho chồng, con mắc bệnh não úng thủy.

Người đàn bà bất hạnh đó là Trần Thị Hồng (SN 1956, trú thôn Lam Long, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Trời chẳng chiều lòng người

Men theo con đường nhỏ bên bờ sông Lam, chúng tôi tìm đến nhà bà Hồng vào một buổi chiều muộn. Căn nhà nhỏ xập xệ nằm cuối đường là nơi trú ngụ của gia đình bà Hồng. Đón tiếp chúng tôi là một người phụ nữ với gương mặt hiền hậu cùng với những bước đi chậm rãi của đôi chân tàn tật.

Căn nhà nhỏ của gia đình bà Hồng.

Khuôn mặt gầy gò, khắc khổ được in hằn lên rõ rệt của bà Hồng đủ thấu hiểu nỗi vất vả mà bà phải gánh chịu suốt mấy chục năm qua.

Theo lời kể của bà Hồng, năm 1990, bà và ông Nguyễn Văn Trung nên duyên vợ chồng. Niềm vui to lớn đến với họ khi một năm sau họ đón đứa con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Hằng (SN 1991). Tưởng chừng hạnh phúc sẽ ở lại gia đình nhỏ của họ nhưng số phận thật nghiệt ngã khi đứa con đầu lòng sinh ra bị bệnh não úng thủy, căn bệnh mang di truyền từ người bố.

Nhìn đứa con gái tội nghiệp, bà Hồng tâm sự: "Sinh ra được 6 tháng thì đầu con gái tôi bắt đầu phát triển to bất thường trong khi phần thân người không phát triển. Tới bây giờ, Hằng đã gần 30 tuổi, khối u khiến đầu con gái tôi nặng gần 15kg chiếm 2/3 trong lượng cơ thể, không thể ngồi dậy được, chỉ nằm yên một chỗ nhờ sự chăm sóc của tôi.

Căn bệnh não úng thủy khiến đứa cô con gái của bà Hồng không được như người bình thường.

Cùng lứa tuổi với nó nhiều đứa đã có chồng con rồi. Còn con gái nhà tôi thì phải chịu khổ đến thế này đây, tôi khổ cũng được, chỉ thấy thương cho nó sinh ra đã không được học hành, ông trời đã không cho nó bằng bạn bằng bè.”- bà Hồng tâm sự.

Hằng ngày, để lo cuộc sống cho chồng con, bà Hồng phải bươn chải khổ cực. Vào những ngày mùa xong việc đồng ruộng nhà bà lại phải đi cấy thuê, những ngày không ai thuê gì bà phải đi nhặt rác để kiếm thêm ít tiền nuôi gia đình. Bà chẳng có thêm một đồng thu nhập ngoài nào khác ngoài những đồng tiền bà đi làm thuê với nuôi con gà, con lợn. Cuộc sống nghèo đói, khốn khổ cứ đè nặng lên đôi vai gầy guộc của bà.

Mọi sinh hoạt của chồng con đều do tay bà Hồng chăm sóc.

Vất vả kiếm tiền nuôi gia đình chưa đủ, bà còn phải chăm sóc cho chồng con từ những việc nhỏ nhặt. Việc thay quần áo cho mọi người trong nhà cũng đến tay bà. Đến bữa ăn, cho chồng con ăn xong bà mới ăn. Có những hôm đi làm về tối thui, bà cũng phải cặm cụi vào bếp làm bữa.

Không có tiền, nên bữa ăn hàng ngày của gia đình bà chỉ là cơm không và những thức ăn thừa mà hàng xóm cho. Nhìn thấy nồi cơm đã đổi màu, chúng tôi ngậm ngùi nhìn nhau, không ai nói với ai lời nào, khi được hỏi, bữa ăn thế này sao sống được, bà Hồng kể: “Tôi còn sướng chán chú à, nhiều người họ còn không có mà ăn, tôi đây đươc bà con thương tình cho thức ăn thừa là hạnh phúc hơn nhiều người rồi”.

Ông Trung nằm liệt một chỗ hàng chục năm nay.

Phía bên kia cạnh giường con gái là ông Nguyễn Văn Trung cũng nằm một chỗ không thể đi lại được. Theo lời bà Hồng kể thì ông Trung cũng mắc bệnh từ nhỏ nhưng vẫn đi lại làm việc được. Thương vợ con, cực chẳng đã, người đàn ông này đã đi sang chợ Vinh (Nghệ An) rồi lên đền Chợ Củi (thôn 1 xã Xuân Hồng)… để ăn xin mong có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống cho đỡ nhọc nhằn.

Bà Hồng tâm sự: "Chồng tôi mắc bệnh não úng thủy từ lúc nhỏ. Trước còn đi lại được thì ông ấy đi ăn xin khắp nơi kiếm thêm chút tiền hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, căn bệnh của ông đổ bệnh nặng, kèm thêm bị tai biến nên từ đó nằm một chỗ không đi lại được".

Do nằm một chỗ thời gian dài, bà Hồng đau ốm triền miên nên việc vệ sinh cá nhân cho chồng con gặp khó khiến nhiều chỗ da trên cơ thể ông Trung bị lở loét, nhiễm trùng. Tình trạng này nếu không được chữa trị kịp thời dễ nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình bà Hồng thời điểm này đến bữa ăn còn khó thì lấy gì để chữa cho chồng.

Lặn lội thân cò

Hằng đêm, khi mà những người phụ nữ khác còn say giấc nồng bên gia đình thì bà Hồng đã phải "lặn lội thân cò" ra bờ sông nhặt ngao hến để bán. Bà Hồng kể: "Đêm nào cũng vậy, cho chồng con ăn uống xong, đợi chồng con đi ngủ là tôi lại ra bờ sông Lam để mò cua ốc cho đến 3-4 giờ sáng mới về mang lên chợ bán là vừa".

Nhiều chỗ da trên cơ thể ông Trung bị lở loét do nằm một chỗ lâu dài.

Gắng gượng để chăm sóc chồng con, nhưng bản thân bà Hồng cũng mang trong mình đủ thứ bệnh, đi lại khó khăn. Người phụ nữ này nhiều đêm khóc một mình, muốn quyên sinh, nhưng vì thương chồng con nên bà cố gắng vượt qua số phận. 30 năm làm vợ, làm mẹ, bà chưa được một ngày hạnh phúc trọn vẹn. Bà chẳng một giây phút nào thảnh thơi lo nghĩ được cho bản thân mình.

Bà Châu (hàng xóm của bà Hồng) nghẹn ngào nói: "Hoàn cảnh bà Hồng khổ lắm, hàng tháng chỉ chờ vào mấy đồng trợ cấp ít ỏi không đủ sống. Gần cảnh thấy khổ, tôi cũng muốn giúp nhưng lực bất tòng tâm vì gia đình tôi cũng làm không đủ ăn, không dư giả gì. Chỉ mong sao có nhiều người tốt giúp đỡ cho hoàn cảnh bà Hồng, chứ nhìn hoàn cảnh thương lắm".

Bữa ăn hàng ngày của gia đình bà Hồng nhờ những bó ra bà trồng được.

Nói về hoàn cảnh này, ông Cao Xuân Chương - Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, cho biết: "Hoàn cảnh gia đình bà Hồng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mặc dù chồng và con của bà được nhận tiền trợ cấp người khuyết tật hằng tháng nhưng thật sự số tiền đó cũng chẳng thấm vào đâu so với tiền thuốc thang cả. Hi vọng các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ hoàn cảnh gia đình bà Hồng vượt qua khó khăn trước mắt".

Đã sống hơn nửa đời người mà bà Hồng vẫn chưa có được một ngày thảnh thơi. Tuổi già, sức khỏe ngày càng yếu, không biết rồi đây bà còn trụ được bao lâu nữa để lo cho người chồng tàn tật và đứa con đáng thương của mình. Cầu mong cho bà có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục chống chọi với cuộc đời đầy bất hạnh.

Mọi sự giúp đỡ gia đình bà Hồng xin gửi về:

Trần Thị Hồng trú thôn Lam Long, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Tác giả: Nguyễn Sơn

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP