Đến nhà Tiến vào một chiều Đông, trong ngôi nhà 2 gian ở cuối làng vẫn chưa vơi không khí đau thương. Từ ngày bố Tiến qua đời, gia cảnh vốn đã khó khăn của gia đình em càng thêm cô quạnh. Trong gian nhà ngoài, bên bàn thờ bà Bùi Thị Nguyệt – mẹ Tiến, nay mới lập thêm bàn thờ ông Lê Cảnh Đảo – bố Tiến.
Trước bữa cơm chiều, theo tục lệ địa phương, Tiến lặng lẽ nấu cơm, bưng lên thắp hương cho bố. Trong phảng phất khói hương, nhìn người con nhỏ quấn vành khăn trắng trên đầu cúi lạy trước di ảnh bố mẹ càng khiến lòng người có mặt thêm quặn thắt, đau với nỗi đau mất bố và trăn trở với cuộc sống sắp tới của em.
Trong những câu chuyện buồn của người thân, được biết gia đình Tiến có 2 chị em, nhà 4 miệng ăn nhưng chỉ có 1 sào ruộng nên tất cả trông chờ vào nghề thuyền chài của ông Lê Cảnh Đảo. Hàng ngày ông ra biển đánh cá, bắt cua, còn vợ thì đem những thứ mà ông kiếm được ra chợ bán.
Những tưởng cuộc sống yên bình trôi đi trong nghèo khó, nào ngờ khi Tiến lên 2 tuổi thì bà Bùi Thị Nguyệt phát bệnh động kinh, thường xuyên co giật. Thương vợ, ông Đảo đã bòn mót, vay mượn đưa vợ đi bệnh viện chữa trị mấy lần nhưng bệnh tình không thuyên giảm, nên đành chịu cảnh “khỏe thì làm, co giật thì khiêng lên giường”.
Mặc dù bệnh nặng, sức khỏe yếu nhưng bà Nguyệt vẫn cố gắng đến cùng. Thật không may cho bà, trong một lần đưa cá đi rửa ở khe, trước lúc mang ra chợ, bà Nguyệt đã lên cơn co giật, đổ nhào xuống nước. Khi mọi người phát hiện sự việc thì bà đã tử vong. Năm đó Tiến mới lên 6 tuổi.
Em Lê Cảnh Tiến bên bàn thờ bố. Ảnh: Huy Thư |
Vợ mất, con gái đi lấy chồng, mấy bố con côi cút nuôi nhau, ông Đảo lâm vào cảnh gà trống nuôi con. Nhưng như dân gian thường nói “nước sâu lại gặp mưa rào”, hoạn nạn vẫn chưa buông tha gia đình ông. Sau mấy năm vợ mất, đau thương chưa nguội tắt, ông lại bị mắc một loạt bệnh nan y như xơ gan, tiểu đường…
Biết trong người có bệnh, nhưng do hoàn cảnh, nên ông cũng cầm cự, vẫn đi biển đánh cá kiếm cơm, chỉ khi bệnh nặng mới đi viện thăm khám.
Những năm qua, gia đình ông đã sống trong những tháng ngày vất vả nhất, bố đau bệnh, con còn nhỏ, tiền kiếm được không đủ để mua thuốc. Trung tuần tháng 11/2018, bệnh tình quá nặng, ông không thể đi biển được nữa, anh em đành vay mượn đưa ông đi bệnh viện. Từ tuyến huyện chuyển lên tuyến tỉnh được mấy ngày thì ông qua đời.
Sau khi bố mất, Tiến phải tự lo cuộc sống của mình. Ảnh: Huy Thư |
Đám tang ông Đảo, anh em, bà con thân hữu ai cũng thấy thương xót cho ông và thương cho đứa con đang còn nhỏ dại. Em Trần Thị Thu Hà – người dân cùng xóm chia sẻ: “Nhìn em trong đám tang cha mình, không ai có thể cầm được nước mắt, bởi tuổi còn nhỏ mà em phải chịu cảnh mất mát quá lớn này. Ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy, bỗng chốc trở thành đứa trẻ mồ côi, thương em quá”.
Từ lúc 6 tuổi, Tiến đã không còn có mẹ để được chăm sóc yêu thương như những đứa trẻ khác, nay lại mất đi người bố. Trên khuôn mặt ngây thơ quấn vành khăn trắng của em, người ngoài cuộc dường như thấy nỗi đau càng nhân lên, bởi em còn nhỏ dại, chưa cảm nhận hết được sự mất mát quá lớn của một đứa trẻ mồ côi.
Ông Lê Cảnh Đoàn – chú ruột của Tiến nói trong xót xa: “Gia đình nhà Tiến nghèo khó từ xưa, bố mẹ phải cắt vườn để bán mới dựng được ngôi nhà 2 gian này. Nhà có 2 chị em, chị lấy chồng xa nhưng hoàn cảnh cũng trớ trêu. Nay cháu lâm vô cảnh mồ côi khi tuổi đời còn nhỏ dại, thật sự là rất đau lòng”.
Nỗi nhớ bố mẹ đong đầy trên khuôn mặt cậu bé lớp 6 bên ngôi nhà trống trải. Ảnh: Huy Thư |
12 tuổi mồ côi cả bố lẫn mẹ, gia cảnh của Tiến trở nên éo le, đặc biệt nhất trong vùng. Ngôi nhà em ở cuối xóm ngày thường vốn đã ít tiếng cười, nay càng thêm hiu quạnh, buồn thương.
Chia sẻ với hoàn cảnh của học sinh, cô giáo Hoàng Thị Oanh – Chủ nhiệm lớp 6D, trường THCS Nghi Tiến cho biết: “Sau khi bố Tiến mất, chúng tôi cũng đã đến chia buồn, động viên gia đình. Tôi thấy hoàn cảnh của Tiến thật đáng thương, hồi học lớp 1 thì mất mẹ, nay học lớp 6 lại mất bố. Sau khi nắm bắt được hoàn cảnh gia đình, tập thể lớp, nhà trường cũng đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ Tiến. Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, tôi mong ban ngành các cấp, cũng như cộng đồng xã hội quan tâm giúp đỡ, để em được chăm lo, được tiếp tục đến trường như nhiều đứa trẻ khác”./.
Tác giả: Huy Thư
Nguồn tin: Báo Nghệ An